Tự chủ giáo dục đại học, đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần mang tính chiến lược

01/06/2023 08:30

Sáng 1.6, tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, vấn đề tự chủ giáo dục đại học, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

Các đại biểu kiến nghị cần quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển vùng và địa phương; tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm.

Tự chủ đến đâu, trách nhiệm tới đó

Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhận định, tự chủ giáo dục đại học giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự, nhưng lại là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính.

Qua thực tế khảo sát tại một số trường đại học, đại biểu cho rằng, cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn. Các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. Chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sỹ, chất lượng giảng dạy tại nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu. Thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được. Trong khi đó, Luật Giáo dục đại học còn chưa thống nhất với một số luật chuyên ngành khác trong việc điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học, làm cho công cụ, chính sách thực hiện tự chủ vẫn hạn chế, nhiều trường đại học gặp khó liên quan đến công tác quản lý nhân sự, tài chính…

Trước thực tế trên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cần nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần dựa trên việc phân tầng các trường, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng từ cao xuống thấp. Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ và khai thác thị trường riêng, không quy định chung với tất cả các trường trên cả nước. Quán triệt nguyên tắc, song song với quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ là tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ đến đâu, trách nhiệm tương xứng tới đó.

Đối với các trường đại học công lập địa phương, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề xuất phân định rõ chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển địa phương; đào tạo theo địa chỉ của các bên có nhu cầu, không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường này. Các trường đánh giá lại thực trạng hiệu quả đào tạo trong thời gian qua và nên xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp.

Tranh luận với quan điểm trên cho rằng, tự chủ đại học nhưng các trường đại học đang bị bó buộc bởi các quy định nên không tự chủ được, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chia sẻ: "Bên cạnh việc bó buộc lại có những quy định như đường mòn, lối mở làm cho các trường đại học vận dụng, nhiều khi rất thoáng trong chính sách".

Đại biểu lấy ví dụ, học phí đại học đang tăng lên rất cao. Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để áp dụng từ năm học 2022-2023, các trường sẽ được tự quyết mức học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo; tạo ra "làn sóng" đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Trên thực tế, có nhiều trường tăng lên rất cao hoặc không mở ngành học bình thường mà lại mở ngành chất lượng cao, tăng học phí từ khoảng 20-30 triệu lên 60 triệu đồng.

"Chất lượng cao là gì? Chất lượng cao có điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học tiếng Anh, sau khi kiểm định xong lại tăng học phí", đại biểu đặt câu hỏi.

Cần minh bạch "gần 100 tỷ đồng để phát triển thị trường và tập huấn" sách giáo khoa 

Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy

Ghi nhận nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018; chỉ đạo biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa mới; chia sẻ những vướng mắc về nhân sự và tài chính, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng, ngành Giáo dục nói chung, khó một mình giải quyết, bởi đổi mới giáo dục mà không chủ động về người và tiền thì khó có thể làm tốt. Tuy nhiên, nếu Bộ Giáo dục - Đào tạo kiểm tra, thanh tra sâu sát, phát hiện khó khăn, vướng mắc, sai phạm và kịp thời trao đổi với lãnh đạo địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, xử lý, thì những khó khăn, vướng mắc, sai phạm ấy không phải không có cách giải quyết”.

Liên quan đến sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 (Bộ kết nối tri thức với cuộc sống). Tuy nhiên, theo phản ánh của giáo viên nhiều trường, sách vẫn chưa được thay, do đó, cần kiểm tra hồ sơ thẩm định sách để xác định và làm rõ thông tin trên.

Trong khi đó, theo thông tin của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (ngày 10.5), tính đến 30.4.2023, tỷ lệ in sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 1,2,3,6,7,10 đạt 81%; lớp 4,8,11 đạt 79%. Nhưng trên thực tế, ngày 5.5.2023, nhà xuất bản này mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ; thời gian mở thầu là 9 giờ ngày 21.5.2023.

“Như vậy có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà nhà xuất bản báo cáo đã được in trước khi đấu thầu?”, đại biểu băn khoăn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, vẫn còn tình trạng thiếu minh bạch và khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa. Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông (Thông tư 25) tuy có đề ra quy trình chọn sách từ cấp cơ sở trở lên nhưng lại trao quyền bỏ phiếu quyết định chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người; không quy định tỷ lệ lựa chọn một cuốn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thì hội đồng có trách nhiệm chọn cuốn sách ấy… “Thậm chí, nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

Đề nghị thanh tra việc một đơn vị thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục chi “gần 100 tỷ đồng để phát triển thị trường và tập huấn”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng cần kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm. Điều đáng lo ngại nhất là việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan chẳng những không khuyến khích thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản, phát hành, nâng cao chất lượng sách giáo khoa để có lợi cho người dạy và học, mà còn có khả năng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh, dần dần làm sai lệch, thậm chí xóa bỏ chủ trương xã hội hóa, trở lại tình trạng độc quyền như cũ”.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 25.

Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương “đa dạng hóa tài liệu học tập” đã được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và “xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa” đã được quy định trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ giáo dục đại học, đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần mang tính chiến lược