Trong thời đại ngày nay, mọi thông tin đều được lan truyền rất nhanh, bởi chúng ta có cả một hệ thống phương tiện thông tin dày đặc.
Đó là hàng nghìn tờ báo, tạp chí in, báo mạng. Rồi ti vi với không biết bao nhiêu kênh phát 24/24 giờ mỗi ngày, hệ thống báo nói về khắp các thôn xóm. Phóng viên chuyên nghiệp có mặt ở mọi vùng miền trong nước và ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó còn có hàng triệu "nhà báo công dân" luôn sẵn sàng đưa thông tin lên mạng xã hội. Chỉ cần có sự vụ gì đó, người ta rút điện thoại trong túi ra, giơ lên quay, chụp rồi trong nháy mắt bấm nút, thế là nhiều người có thể xem được. Như vậy, mọi người không thể nói là thiếu thông tin.
Hiện nay, khi có một sự việc nóng nào đó xảy ra là được các kênh thông tin nhắc đến không biết bao nhiêu lần. Tiêu biểu là những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà lái xe dùng ma túy; tòa án xử các vụ tướng tá công an, quân đội tham nhũng; chuyện gian lận trong thi cử; các vụ giáo viên mầm non đánh đập học sinh; hay gần đây nhất là vụ "thỉnh vong" ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)...
Tôi không thể thống kê hết các sự kiện lớn đã xảy ra. Song tôi có cảm giác rằng báo chí phanh phui cứ phanh phui. Sự việc vẫn cứ tiếp tục xảy ra và hình như vụ mới cứ lớn hơn, từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Hằng ngày, mấy chục triệu người vẫn đọc báo, xem ti vi, nghe đài, lướt web... vậy tại sao các vụ việc tiêu cực ấy không hề thuyên giảm. Liệu có phải từ căn bệnh vô cảm của người đọc? Trong số hàng chục triệu người đọc, có cả các cấp lãnh đạo, cán bộ, đảng viên... là những người có trách nhiệm, có thẩm quyền ngăn chặn các vụ việc nêu trên. Kể cả thường dân cũng có quyền tham gia loại bỏ các vụ việc không tốt đẹp ấy. Liệu có phải xuất phát từ tư tưởng "sống chết mặc bay". Việc ở cơ quan khác thì kệ họ, miễn là cơ quan mình không xảy ra là được.
Đọc "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn, tôi nhớ đến câu: "Nay ta bảo thật các ngươi nên nhớ câu "đặt mồi lửa vào dưới đống củi" làm nguy cơ, nên lấy điều "Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" làm răn sợ". Ý Trần Quốc Tuấn muốn nói với tướng sĩ rằng nếu đặt mồi lửa dưới đống củi thì sẽ gây ra đám cháy lớn. Muốn ăn được canh nóng thì phải lấy đũa vớt rau lên thổi cho nguội hãy ăn mới không bị bỏng miệng. Nghĩa xa hơn là muốn làm được việc cần phải lường trước những sự cố có thể xảy ra để ngăn chặn, không được chủ quan.
Trở lại vấn đề của bài viết, có lẽ mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị hãy tạo cho mình một thói quen tự cảnh báo khi nhận được thông tin nào đó có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cơ quan mình, việc của mình, không để cấp trên phải nhắc nhở. Chẳng hạn, ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể sẽ là lời cảnh báo cho các bếp ăn hoặc hàng quán ăn nơi đông người. Từ đó đặt ra câu hỏi bếp ăn của trường mình, công ty mình đã sạch chưa? Thực phẩm sạch hay bẩn? Người cung cấp thực phẩm ra sao? Người chế biến thế nào?... Nếu tự làm nghiêm được các khâu thì chắc sẽ không có vụ hàng trăm trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được phát hiện nhiễm sán lợn sau khi vụ việc Trường Mầm non Thanh Khê ở huyện này bị phát hiện cho trẻ ăn thịt bẩn. Hoặc vụ 8 học sinh đuối nước ở Hòa Bình mới đây phải thành lời cảnh báo khẩn cấp đến các nhà trường, phụ huynh học sinh, các địa phương. Cụ thể là việc giáo dục ý thức phòng tránh đuối nước cho các em đã tốt chưa? Những sông hồ nào các em không được đến? Mùa hè sắp tới, ai là người quản lý các em? Địa phương còn những chỗ nào trẻ dễ bị đuối nước, việc cắm biển báo hoặc rào chắn đã làm kịp thời chưa?... Từ vụ việc của chùa Ba Vàng là lời cảnh báo tới các địa phương, các chùa, cơ quan văn hóa, Giáo hội Phật giáo... Có lẽ cần rà soát lại hoạt động của các nhà sư, phật tử, các hoạt động của chùa như lễ hội, cúng bái, xây dựng, kinh phí... Không sợ phạm vào tự do tín ngưỡng mà pháp luật đã cho phép, vấn đề nằm ở cách làm. Liệu có chùa nào dám cam kết mọi việc đều đúng pháp luật? Liệu có nhà sư, các phật tử có dám cam kết mình đúng 100%, không có gì phải sửa?
Suy cho cùng vẫn là ý thức trách nhiệm với bản thân mình, với cơ quan mình, quê hương và với mọi người trong cộng đồng. Mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị hiểu rõ trách nhiệm của mình và hành động vì trách nhiệm ấy thì có lẽ những vụ việc tiêu cực, xấu xa mới sẽ giảm.
VĂN DUY