Truyện cổ tích đời tôi

20/03/2010 07:17


Minh họa: Phùng Anh Bản
Đã sáu tháng trôi qua và mãi mãi về sau này nữa, cho đến khi cuộc đời chấm dứt, tôi phải gắn chặt thân mình vào chiếc xe lăn. Bà bác sĩ già nhìn tôi đau đớn, nói như an ủi: "Rất tiếc nền y học thế giới cho đến hiện nay vẫn phải bó tay trường hợp này. Con gái yêu ạ. Phải chấp nhận thôi. Hy vọng sau này...". Bầu trời trên đầu tôi sập xuống. Đất dưới chân tôi vỡ vụn ra từng mảnh. Thật khủng khiếp. Khủng khiếp đến tận cùng. Cuộc đời tôi còn quá trẻ, mới qua mười tám tuổi được vài tháng. Phần còn lại dài quá. Tương lai rực sáng đang mở rộng. Thế mà... Số phận sao bất công đến thế. Người cho tất cả, rồi lại cướp đi tất cả. Như canh bạc cuối cùng thua nhẵn túi. Nỗi chán chường sầm sập ụp xuống tâm hồn tôi. Ôm chặt lấy người mẹ gầy guộc, tôi khóc: "Mẹ ơi! Nếu mẹ có thương con hãy giúp con chấm dứt cuộc đời này càng nhanh càng tốt”. Mẹ tôi vỗ vỗ vào lưng tôi gắt khẽ: "Đừng bi quan. Mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh con. Mẹ sẽ làm tất cả vì con gái yêu của mẹ". Tôi hiểu đấy chỉ là lời động viên an ủi. Năm nay mẹ tôi đã ngót năm mươi tuổi. Sức khoẻ bà chả còn bao nhiêu. Kể từ ngày bố tôi mất, mẹ tôi suy sụp trông thấy. Quãng thời gian của mẹ còn ít quá.

Cuộc đời tôi bắt đầu quẩn quanh trong căn phòng 15 mét vuông, quét vôi màu vàng nhạt. Bao ước mơ, bao ước nguyện trở thành hoang tưởng. Cổng trương đại học vừa hé mở đã đóng sập ngay trước mắt tôi. Tình yêu cuộc sống trong tôi bị bào mòn, rơi rụng. Mỗi lần chợt nghĩ đến tương lai là tôi lại một lần hoảng loạn. Hoảng loạn vì những ngày u ám sắp tới. Tôi luôn nghĩ đến cái chết. Chết để chấm dứt cuộc đời đau khổ. Chết để giải thoát mọi ưu phiền, lo lắng. Tôi là đứa con gái đủ thông minh để hiểu đằng sau lời khuyên nhủ, an ủi của mọi người xung quanh. Tôi nghe rõ cả tiếng chép miệng thở dài đầy thương hại. Nó không thể giúp đôi chân của tôi đứng lên được như cũ...

Tai nạn xảy ra đúng vào lúc tôi mang trong lòng niềm vui vô bờ bến. Giấy báo tin trúng tuyển vào đại học. Lũ bạn tôi rủ nhau ra nhà hàng đặt bữa tiệc nhỏ. Tàn cuộc vui, cả bọn loạng choạng bước ra, vồ lấy xe máy phóng như điên như dại trên đường. Một tiếng rít ghê rợn kéo dài trên mặt đường nhựa. Một liếng va chạm của sắt thép vang lên, dội vào lồng ngực tôi đau nhói. Rồi tất cả yên lặng trở lại. Tất cả tối sầm trước mắt tôi. Một cái gì rất nặng kéo đôi mi sập xuống không thể cưỡng nổi? Sao thế này? Tất cả toàn thấy màu đen... Tỉnh lại đã thấy mình nằm trên giường bệnh, bên cạnh là khuôn mặt già nua, méo mó của người mẹ.

Thế rồi anh ào đến như luồng gió Lào bỏng rát. Toàn thân tôi nóng rực. Bao ước mơ của những ngày lành lặn giãy đạp, vùng vẫy trong đầu tôi. Đó là một ngày đầu năm mới. Khởi đầu tiết lập xuân. Anh gọi điện đến nhà tôi, hỏi một cái tên nghe lạ hoắc. Tôi đáp: "Anh gọi nhầm máy rồi". Anh cười: "Ồ. Xin lỗi. Tôi nhầm máy. Nhưng không sao. Cũng là điều may mắn. Tôi xin được làm quen với chị. Tôi là Trung. Sinh viên y khoa đang thực tập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhà. Còn tên chị là gì nhỉ? Tôi sẽ đến thăm”. Như những thiên thạch lang thang trong vũ trụ. Nếu như số phận cho chúng gặp nhau thì một ngày, một giờ, một khoảnh khắc nào đó bỗng nhiên sẽ đi chéo qua nhau. Sau đó vài ngày Trung đến thăm tôi thật. Anh có vẻ vui tính, ồn ào và sôi nổi. Còn tôi chỉ cười lặng lẽ. Bệnh tật làm tôi thiếu tự tin. Nỗi buồn âm ỉ kéo dài lê thê khiến cơ thể tôi lạnh giá. Trung như ngọn lửa đang rực cháy. Dường như Trung muốn sưởi ấm cho không gian 15 mét vuông của tôi. Tôi làm như bình tĩnh pha nước tiếp anh. Nhưng tâm hồn tôi không yên tĩnh. Tôi không phải là đạo sĩ. Tôi là đứa con gái mới lớn, khát khao nhiều thứ. Trung về rồi mà tôi vẫn còn mơ màng nhớ lại về anh. Trung thuộc dạng không phải đẹp trai. Nhưng nụ cười hồn hậu và chân thành. Đôi mắt đầy tự tin trong sáng.

Hôm sau Trung lại đến. Anh dừng trước cửa. Tôi vui vẻ mời anh vào nhà. Lần này Trung có vẻ tự nhiên hơn. Anh đi lại khắp căn phòng ngắm chỗ này chỗ kia. Anh khen tôi có đầu óc thẩm mĩ. Nhìn lên giá sách, Trung xuýt xoa: "Ôi. Toàn sách quý, giá như tôi cũng có...". Tôi cười: "Vậy anh cứ coi giá sách là của mình”. Trung không nói gì. Lát sau bất ngờ Trung quay lại hỏi tôi một câu chẳng ăn nhập với sách. Giọng anh đầy trách móc: "Bạn không làm gì à? Suốt ngày chỉ ngắm mây, ngắm trời thôi sao?". Tôi hơi giận. Trung đã gợi lại nỗi đau đang lành sẹo. Trung làm như không để ý đến thái độ ấy. Anh cứ nhẩn nha ngắm từng cuốn sách. Tôi cúi mặt lý nhí: "Thì em đã là người tàn phế". Trung quay phắt lại: "Bạn nhầm to rồi. Bạn có phải là đoàn viên thanh niên không? Bác Hồ từng dạy thương binh tàn nhưng không phế cơ mà. Bạn tuy không phải là thương binh nhưng cũng chưa phải là người bỏ đi. Tại sao bạn lúc nào cũng giam mình trong bốn bức tường? Bạn sợ điều gì?". "Tôi thích vậy". Trung lại cười. Sao anh cười nhiều thế nhỉ? "Không đúng. Bạn sinh ra không phải như vậy". Tôi thở dài: "Số phận em nó thế. Khó thay đổi lắm". Bỗng nhiên Trung cất giọng hát: "Đi lên thanh niên. Làm theo lời Bác. Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên". Tôi bị lây cái vui vẻ ồn ào sôi nổi của anh. Tôi hỏi: "Vậy em biết làm gì bây giờ?". Trung nghiêm túc nói: "Bạn còn hơn khối người. Bạn có đôi tay khéo léo, có học vấn và có cái đầu minh mẫn. Bạn có thể làm được nhiều thứ như thợ may, đánh vi tính, dạy học, vân vân. Tại sao bạn không tự ngẩng mặt lên?". Tôi thoáng sững sờ. Chưa có ai nói với tôi câu này cả. Có lẽ mọi người sợ tôi buồn, tôi tủi thân lên lúc nào cũng an ủi, thương hại. Mọi người đâu biết rằng điều đó càng làm tôi đau đớn. Lần đầu tiên kể từ ngày quen nhau tôi thấy bối rối khi chạm vào ánh mắt rạng rỡ của Trung. Trong đầu tôi tựa như có một luồng sáng mở toang để những làn gió mát ùa vào. Người con gái bấy lâu sống trong khổ đau riêng tư đã tìm thấy một tấm lòng đồng cảm, một con đường đi mới.

Hôm đó chúng tôi nói chuyện với nhau rất lâu. Mẹ tôi đi làm về nhìn thấy. Vẻ mặt bà tươi hơn mọi ngày. Thì ra Trung ở nhờ người bác họ đối diện với nhà tôi, bên kia đường. Anh đang thực tập tại bệnh viện tỉnh. Anh kể rằng hằng ngày đi làm qua nhìn thấy một cô gái ngồi trên xe lăn, mặt buồn rượi, suốt ngày nhìn ra đường. Người bác họ kể với anh về tôi, về trường hợp tai nạn của tôi. Trung bèn nghĩ cách làm quen qua điện thoại. Tôi ngượng quá, đỏ mặt: "Anh thật là...". Cuối cùng Trung kết luận trước khi chào mẹ tôi ra về: "Em không thể kéo dài cuộc sống không mục đích, không ước mơ thêm ngày nào nữa. Hoài phí lắm. Em phải tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình theo nghĩa bóng. Em phải làm việc. Nếu biết vượt qua khó khăn chắc chắn em sẽ tìm được hạnh phúc".

Những ngày sau đó Trung giúp tôi dọn dẹp sửa sang phòng khách thành lớp học phụ đạo và dịch thuê các văn bản tiếng Anh. Khách hàng bắt đầu đến ngày một đông. Vì nhiều lý do. Tôi thấy vui hẳn lên, yêu đời hơn. Mẹ tôi mừng lắm. Mẹ khen anh Trung hết lời. Mẹ bắt đầu mơ ước có một chàng rể như anh. Tôi cười to: "Biết bụng dạ người ta thế nào mà mẹ ước mơ". Trung là người duy nhất giúp tôi biết được con người có sức mạnh siêu việt. Có thể làm những việc mà bình thường không thể làm nổi. Ngày nào Trung cũng đến thăm tôi một lần, khi buổi chiều, lúc lại tối khuya. Vì anh còn phải đi làm ca. Bao giờ anh cũng hỏi một câu thay lời chào: "Hôm nay Hương có gì vui không". Lúc ấy tôi cố lục tìm trong một ngày bận rộn với nhiều khách hàng của mình, hoặc xung quanh hàng xóm. À tôi nhớ ra rồi. Cạnh nhà tôi có cặp vợ chồng trẻ. Sáng nay chả hiểu vì sao người vợ lại khóc rất to. Chao ôi tiếng khóc của chị nghe sao đau đớn, xót xa đến thế. Hẳn nỗi ấm ức, tủi cực bị dồn nén lâu ngày bây giờ mới theo nước mắt tuôn ra. Trước đây, khi đôi chân còn lành lặn, tôi thường phóng xe ào qua cửa nhà chị. Chỉ nghe tiếng gió vi vu bên tai.

Lại có lần Trung gọi điện thoại lừ nơi làm việc: "Hương vừa nấu món gì mà thơm lừng đến tận đây?". Tôi kể cho Trung nghe từng món ăn đang nấu, Trung hít hà: "Ngon quá. Thèm quá". Tôi bật cười: "Vậy thì hết giờ anh về đây nhé. Em và mẹ chờ".

Một buổi chiều Trung rủ tôi ra công viên. Tôi lưỡng lự. Anh liền bảo: "Em không thể là con mèo hen cớm nắng". Tôi ngại nhiều điều. Cuối cùng tôi vẫn phải đồng ý để anh đẩy tôi ra phố. Rất lâu rồi tôi mới được ngắm mặt trời lúc hoàng hôn. Từng tia nắng vàng mảnh mai quấn quýt lấy chúng tôi. Nhiều ánh mắt dõi theo như dò hỏi: "Bạn hay em gái? Người yêu hay vợ?". Dẫu là quan hệ thế nào chăng nữa, tôi vẫn đọc được niềm cảm phục tin yêu của mọi người dành cho Trung. Cám ơn Trung đã ban cho tôi bao hạnh phúc. Anh như luồng gió lành lật cuộc đời tôi sang trang mới. Trung bảo: "Em phải giữ gìn sức khoẻ. Đừng ham làm quá". Đấy là anh nhắc khéo chuyện ban ngày tôi làm việc, ban đêm lại đi học. Ý tưởng trở thành cô giáo dạy Anh ngữ thúc đẩy tôi lao vào học quên ngày quên tháng. "Hương ơi! Đừng bao giờ nản chí. Rồi sẽ có ngày em bay lên cùng cuộc sống tươi đẹp này". Tôi chợt thấy mình bay vút lên trời xanh. Bên cạnh tôi còn có mẹ và anh cùng bay. Dưới chân chúng tôi sóng hồ lăn tăn gợn. Tôi ngất ngây vì hạnh phúc. Bên tai tôi lùng bùng bao điều muốn nói với Trung. Tôi sẽ nói rằng cuộc sống của tôi không thể thiếu Trung. Tôi sẽ mãi mãi đi theo anh. Đi đâu cũng được. Tôi sẽ chịu đựng mọi gian khổ, đói nghèo để được yêu thương, để được đau đớn vì Trung.

Như mọi lần, chúng tôi dừng lại quán nước mía cuối cùng đường Thanh niên. Đây là con đường đẹp nhất thành phố. Tiết trời cuối thu, lá rụng nhiều. Chúng tôi thảng thốt nhìn nhau. Như lạ như quen, như xa như gần. Trung cầm tay tôi xiết nhẹ. Tôi nghe toàn thân nóng rực: "Chúng mình hãy là bạn tốt của nhau mãi mãi, Hương nhé!". Có lẽ suốt cuộc đời tôi luôn mang theo giây phút lãng mạn ấy. Tôi  lặng lẽ gật đầu. Tôi biết mình là chuyến tàu đến muộn. Trung đã có người yêu. Họ chỉ chờ Trung học xong sẽ làm đám cưới. Ôi. Tôi yêu Trung đến nhức nhối. Tuy nhiên tôi không dám giận anh. Bởi vì, đối với tôi, Trung là cái gì đó cao vời vợi như một kỳ quan. Mà tôi chỉ biết cúi đầu khâm phục và chiêm ngưỡng.

Thời gian thực tập của Trung đã hết. Ngày mai anh trở lại trường. Trong bữa cơm chia tay, mẹ tôi ôm Trung vào lòng, xúc động nói: "Mẹ phải làm gì để đền đáp công ơn to lớn của con bây giờ? Con trai yêu quý!". Trung cũng nghẹn ngào. Giọng anh lạc đi: “Hương hãy cố gắng trở thành cô giáo dạy giỏi. Thế là hạnh phúc cho con lắm rồi. Mẹ ạ”.

Giờ đây tôi không chỉ đứng vững trên đôi chân của mình như điều Trung mong mỏi. Tôi còn giúp đỡ bao người cùng cảnh ngộ. Tôi tham gia vào dạy các lớp học tình thương. Đôi khi làm phiên dịch cho các đoàn nước ngoài vào Việt Nam làm công tác từ thiện. Tôi thực sự đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc. Có vài người đàn ông đến cầu hôn với tôi bằng tất cả tình yêu và lòng chân thành. Nhưng tôi đều khéo léo từ chối. Bởi tôi chưa thể nào quên được Trung.

Cũng từ đó, mỗi khi rảnh rỗi, tôi hay lang thang dọc đường Thanh niên mang theo hy vọng gặp anh. Tôi tin vào lý thuyết xác suất và trái đất hình cầu.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyện cổ tích đời tôi