Trường tuyển vượt chỉ tiêu, thí sinh có được bảo đảm quyền lợi?

13/10/2021 19:24

Các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã xác định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm.

Mùa tuyển sinh 2021 ghi nhận thực tế nhiều trường thông báo danh sách trúng tuyển cao gấp nhiều lần chỉ tiêu trong đề án tuyển sinh, thậm chí có ngành còn vượt chỉ tiêu đến 16 lần như quản trị kinh doanh của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh. 

Ngành quản trị kinh doanh của trường này gọi đến 943 thí sinh trúng tuyển, trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 60, nghĩa là vượt gấp khoảng 16 lần so với chỉ tiêu. Lý giải về tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu này, đại diện các trường đều cho hay đây là biện pháp trừ hao để tránh thí sinh "ảo".

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay nếu các trường tuyển vượt quá chỉ tiêu và chịu các chế tài xử lý thì thí sinh vẫn được bảo đảm về
quyền lợi trúng tuyển

Các chuyên gia tuyển sinh thừa nhận, việc gọi trúng tuyển vượt chỉ tiêu là biện pháp trừ hao mà trường nào cũng áp dụng, tuy nhiên, gọi vượt bao nhiêu không phải là dễ dàng. Thực tế nếu thí sinh đến ít, trường tuyển thiếu chỉ tiêu ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo, nhưng gọi vượt quá nhiều, thí sinh nhập học đầy đủ thì trường vi phạm quy chế tuyển sinh. 

Tuy nhiên, gọi vượt đến 16 lần thì theo một chuyên gia là "quá sức tưởng tượng". Không chỉ quá tải, mà bởi nếu các trường chú trọng bài toán kinh tế, tuyển sinh vượt chỉ tiêu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, mất cân bằng cung cầu. TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng gọi thí sinh trúng tuyển vượt quá nhiều so với chỉ tiêu có thể dẫn đến tình trạng "vỡ trận".

Trả lời về tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay phần mềm lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp giảm thiểu tình trạng thí sinh "ảo", chứ không giải quyết hết mọi vấn đề "ảo" của các trường, bởi thí sinh có quyền nhập học hoặc từ chối nhập học. Theo phân tích thống kê kết quả tuyển sinh hàng năm, chỉ có các trường công an, quân đội là đảm bảo số thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học 100%, còn lại đa số các trường sẽ có một tỷ lệ nhất định thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Vì vậy, các trường thông báo dự phòng một lượng thí sinh nhất định do phải tính đến có tỉ lệ thí sinh sẽ nhập học vào các trường khác (theo các phương thức khác nhau).

Bên cạnh đó, nhiều trường xét tuyển bằng các phương thức khác nhau, nhưng vì không đạt được chỉ tiêu đã xác định nên đã điều chỉnh chỉ tiêu sang xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Có trường có thể thông báo số thí sinh trúng tuyển gấp 3-4 lần chỉ tiêu đã xác định, nhưng khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ đạt được 30% chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều ngành không có thí sinh hoặc rất ít thí sinh trúng tuyển, nhập học.

Vụ Giáo dục Đại học lý giải thêm, chỉ tiêu tuyển sinh hiện được xác định theo khối ngành, tuy nhiên để tạo thuận lợi cho việc chọn ngành của thí sinh nên đa số các trường thường xác định chỉ tiêu và tuyển sinh theo ngành. Trong trường hợp một số ngành không tuyển sinh được thì các trường thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, có thể sắp xếp điều chỉnh lại chỉ tiêu sang các ngành khác trong khối ngành, trong lĩnh vực, theo quy định nhưng không vượt quá năng lực đào tạo. Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp có thể một số trường thực hiện sai.

PGS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho hay đến thời điểm này, số thí sinh chính thức nhập học (xét tất cả các phương thức tuyển sinh) trên toàn hệ thống chưa tới 62% tổng chỉ tiêu. Hiện tại, chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh thông báo được trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là đã tuyển vượt quá chỉ tiêu theo quy định. Bởi thực tế, số lượng thí sinh có thể "ảo" khá nhiều. Một số thí sinh dù đã nhập học cũng có thể sẽ đi du học khi dịch bệnh được kiểm soát.Theo quy chế tuyển sinh, các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, công tác tuyển sinh năm 2021 sẽ được báo cáo đầy đủ vào ngày 31.12.2021 với số lượng thí sinh nhập học chính thức.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định những cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt quá số lượng đã xác định sẽ được tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm. Năm 2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều công văn để chấn chỉnh, xử lý các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu quy định, một số trường đã bị phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục và khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh vào năm tiếp theo.

Trong trường hợp sau khi các thí sinh nhập học, nếu các trường thật sự tuyển vượt quá chỉ tiêu và chịu các chế tài xử lý thì các thí sinh vẫn được đảm bảo về quyền lợi trúng tuyển đại học của mình.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Trường tuyển vượt chỉ tiêu, thí sinh có được bảo đảm quyền lợi?