Trưởng thôn nuôi rắn hổ mang rừng

16/06/2012 09:05

Anh Nguyễn Đắc Hồng , Trưởng thôn Vạn Tuế (xã Tân Việt, Thanh Hà) là một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi rắn của huyện Thanh Hà.



Sinh năm 1970 trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ngay từ nhỏ, anh Hồng đã phải phụ giúp gia đình rất nhiều công việc. Từ năm 1990 đến năm 1995, anh tham gia công tác Đoàn tại xã. Năm 1994, anh xây dựng gia đình. Lúc này, vừa phải lo công việc của tập thể, vừa phải lo tìm kế sinh nhai, nên anh đành xin nghỉ công tác tại xã. Vợ chồng anh chuyển sang thu mua hàng nông sản. Đến năm 2006, anh nghỉ chợ và được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn. Thời gian này, anh còn kết hợp nuôi gà, vịt để tăng thêm thu nhập. Tuy nghề này cho thu nhập khá, nhưng lại "ngốn" rất nhiều thời gian của anh, nên việc của thôn xóm đôi khi đã không được trọn vẹn. Vì vậy, anh ngày đêm suy nghĩ, mong muốn tìm một nghề gì đó vừa có thể mang lại thu nhập thêm cho gia đình lại vừa có thể hoàn thành chức trách của mình với nhân dân. Tình cờ, anh được một người bạn ở tỉnh Hà Nam giới thiệu về mô hình nuôi rắn thương phẩm. Năm 2010, anh quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm 65 con rắn hổ mang rừng. Do mới chập chững vào nghề, chưa có kinh nghiệm, anh chỉ nuôi mỗi hố 1 con, nên ban đầu xuất bán chỉ đủ vốn.

Năm 2011, để tích lũy thêm kinh nghiệm, anh đã sang tỉnh Hà Nam tham quan, tìm hiểu cách thức xây dựng chuồng trại và chăm sóc rắn. Anh quyết định đầu tư 150 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống và thức ăn. Từ chỗ nuôi đơn lẻ, anh đã chuyển sang nuôi bầy đàn để tiết kiệm diện tích nuôi. Theo anh Hồng, nơi nuôi nhốt rắn phải được xây bằng bể kiên cố, các cửa phải kín để rắn không thể ra ngoài, chiều dài của bể là 2m, chiều ngang 1m và cao 0,8m. Trong bể xếp gạch để làm nơi cho rắn trú ngụ. Thức ăn của rắn cũng rất dễ kiếm, chủ yếu là cóc, chuột và gia cầm. Cứ 3 ngày mới phải cho rắn ăn 1 lần và chỉ phải cho ăn từ tháng 3 đến tháng 11, thời gian còn lại là rắn ngủ đông. Sau 2 năm, rắn có thể đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con và có thể xuất bán.

Hiện anh Hồng chủ yếu nuôi rắn hổ mang rừng, hổ mang bành trắng với 250 con các loại, trọng lượng đạt từ 1,3 - 1,5kg/con. Dự kiến cuối năm nay sẽ cho xuất ra thị trường khoảng 150 kg rắn thương phẩm với giá rắn thương phẩm hơn 1 triệu đồng/kg, anh ước sẽ thu lãi 100 triệu đồng.

Không những mạnh dạn, linh hoạt trong phát triển kinh tế, anh Hồng còn là một trưởng thôn trẻ tuổi, tâm huyết, hết lòng vì công việc chung. Anh tích cực vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phát triển kinh tế và chung tay xây dựng nông thôn mới.

ĐỨC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trưởng thôn nuôi rắn hổ mang rừng