Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, những món quà ý nghĩa từ đất liền lại vượt sóng, vượt gió đến với các chiến sĩ Trường Sa.
Xuồng vận chuyển quà Tết đến đảo Thuyền Chài
Những tình cảm nơi hậu phương như tiếp thêm sức mạnh để người lính thêm vững tâm, bền chí, chắc tay súng nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Ấm lòng người lính
“Bố ơi em Tít hay đòi gặp bố. Nó biết Tết này bố không về. Con biết bố đi công tác ở Trường Sa xa lắm. Ở nhà em Tít hay bắt nạt con nhưng con vâng lời bố, con phải nhường nhịn em, phải nghe lời mẹ... Con nhớ bố nhiều lắm! Khi nào bố về, bố con mình về nhà ông bà nội chơi bố nhé. Con nhớ và yêu bố nhiều”. Đó là nội dung một trong gần hai vạn lá thư của các cháu học sinh gửi đến cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa trong dịp Tết Kỷ Hợi này. Thư được đóng gói cẩn thận chuyển đến các điểm đảo. Có những nét chữ chưa tròn vành, có câu chưa thoát nghĩa nhưng đều dành sự cảm phục cùng những lời chúc tốt đẹp đến người lính biển. Quà Tết năm nay còn có những lá cờ, những chiếc áo thi đấu có chữ ký của các thành viên đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa vô địch AFF Cup 2018. Món quà là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên và niềm tin chiến thắng gửi đến những người lính trẻ nơi hải đảo xa xôi.
Cùng với những "liều thuốc" tinh thần, nhiều sản vật từ khắp nơi trên cả nước cũng theo các tàu thay thu quân dịp cuối năm ra Trường Sa. Năm nay, chị Phùng Thị Thu Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiểu học ở huyện Thường Tín (Hà Nội) cùng bạn của mình tự tay làm 140 kg mứt dừa, gà khô, bò khô để gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa vui Tết cổ truyền. "Em may mắn được đi Trường Sa hai lần nên phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả của các anh ấy. Hy vọng những món quà nhỏ và cũng là tình cảm của tụi em sẽ giúp các anh vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà khi đón Tết nơi đảo xa", chị Phượng nói.
Dọc hành trình, bên cạnh nhu yếu phẩm được cấp theo quy định, những chuyến xuồng chở đầy quất cảnh Văn Giang (Hưng Yên), mứt Tết Hà Nội, bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), phong lan Đà Lạt (Lâm Đồng)... lần lượt lên đảo. Để bộ đội kịp đón Tết, việc vận chuyển diễn ra khẩn trương. Mùa xuân ở đây dường như về sớm hơn trong đất liền. Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa phấn khởi: “Mỗi món quà không chỉ có giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ ở đây. Nhìn thấy những sản vật đặc trưng của quê mình gửi ra đảo, nhiều anh em có cảm giác gần gũi, thân thương như ăn Tết ở trong đất liền. Đây chính là nguồn động viên tinh thần và là động lực để người lính chắc tay súng bảo vệ bình yên chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Các chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài B đọc thư - một trong những món quà tinh thần đặc biệt gửi ra đảo dịp Tết
Kết nối yêu thương
Ngoài các phóng viên, đi cùng đoàn công tác của Hải quân Vùng 4 đến các đảo phía nam quần đảo Trường Sa còn có một số thành viên Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Năm nay, CLB vận động được số hàng hóa và tiền mặt lên đến trên 800 triệu đồng để chuyển đến các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo. Đây đã là lần thứ bảy trong 5 năm qua anh Trần Vũ Thành, quê ở Nam Định, Chủ nhiệm CLB đến với Trường Sa. Quá quen với sóng gió Trường Sa nên anh Thành vừa là người vận chuyển quà, vừa là hướng dẫn viên cho chúng tôi mỗi khi đến các điểm đảo.
Thành lập từ năm 2015, CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương hiện có gần 1.500 thành viên là những người từng có cơ hội đến với Trường Sa. Thời gian qua, CLB có rất nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến những người chiến sĩ nơi hải đảo như vận động quỹ để mua máy lọc nước biển, cây xanh cho các đảo ở Trường Sa và các nhà giàn, tặng quà cho con em các chiến sĩ dịp Tết Trung thu... Cùng với các hoạt động mang hơi ấm đất liền ra đảo, CLB còn tổ chức hàng chục cuộc triển lãm ảnh mỗi năm để Trường Sa nói riêng và biên giới, hải đảo nói chung gần gũi với thế hệ trẻ hơn.
Năm 2014, lần đầu tiên anh Thành đến Trường Sa. Chứng kiến đời sống bộ đội còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước ngọt, anh Thành đã báo cáo Trung ương Đoàn rồi xây dựng đề tài lọc nước biển. Được sự ủng hộ của Trung ương Đoàn và sau rất nhiều lần thử nghiệm, xét duyệt, cuối năm2015, chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt đầu tiên đã được lắp đặt ở Trường Sa. Đến nay, rất nhiều nơi ở quần đảo đã ứng dụng công nghệ này. Xuất phát từ công trình thiết thực, ý nghĩa đó, CLB ngày càng quy tụ được nhiều thành viên. Hoạt động của CLB mở rộng từng năm vì có nhiều lời hứa tài trợ, tặng quà lớn hơn từ các tổ chức, cá nhân. Dù đã nhiều lần đến với Trường Sa nhưng anh Thành không khỏi hồi hộp, lo lắng trong mỗi hành trình. "Chúng tôi chỉ có vai trò kết nối còn những món quà là rất nhiều tình cảm của người dân ở khắp nơi trong cả nước gửi đến người lính biển. Vì vậy để chuyển được tình cảm của hậu phương ra Trường Sa là một trọng trách rất lớn mà chúng tôi phải cố gắng hoàn thành", anh Thành bộc bạch.
Nói về những dự định sắp tới, anh Thành chia sẻ: "Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, ngay trong tháng 4.2019 chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động của mình ra nước ngoài. Mong muốn của mỗi thành viên CLB là mang được hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đến khắp mọi miền Tổ quốc và nhiều nơi trên thế giới".
HOÀNG BIÊN