Trường nghệ thuật với các chuyên ngành đặc thù được tiếp tục dạy chương trình giáo dục thường xuyên cho các khóa tuyển sinh từ năm 2021-2022 trở về trước.
Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: Dương Tâm
Theo thông báo ngày 3.11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quyết định này được đưa ra để bảo đảm quyền lợi của người học và giữ ổn định trong hoạt động đào tạo của các trường. Bộ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm chương trình giáo dục thường xuyên, bảo đảm đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác nhau để thực hiện hiệu quả.
Quy định mới này đã tháo gỡ khó khăn của phụ huynh, học viên Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, phụ huynh của hơn 320 học viên Học viện Múa Việt Nam gửi đơn kêu cứu đi khắp các bộ, ban, ngành vì con họ học 6-7 năm (từ năm lớp 6) nhưng khi ra trường vẫn ba "không", gồm không bằng tốt nghiệp THCS, không bằng tốt nghiệp THPT và không bằng trung cấp chuyên nghiệp.
Ông Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, sau đó thừa nhận có "lỗi kỹ thuật" khi trường không đăng ký đầu vào là trung cấp cho học viên mà chỉ đăng ký đầu ra là cao đẳng nên không được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp; đồng thời, trường không có quyền cấp bằng THCS, THPT. Trường cũng chưa liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên nào để bổ túc văn hóa cho học sinh, giúp các em lấy bằng tốt nghiệp do "chưa nhận thấy nhu cầu".
Sau đó, dựa trên đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp theo quy định hiện hành; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề quận Cầu Giấy, Hà Nội, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho các em.
Còn với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, phụ huynh cho rằng việc đào tạo chương trình giáo dục phổ thông cho học viên nên được tiến hành ngay tại trường thay vì liên kết với một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Việc này thuận tiện cho các em trong việc di chuyển, sắp xếp lịch hoạt động chuyên môn với thời khóa biểu học văn hóa.
Theo quy định trước năm 2018, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).
Tuy nhiên, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, để người học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc văn hóa cho học sinh, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước.
Với quy định mới này, sau hai năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho trường nghệ thuật được dạy chương trình giáo dục thường xuyên.
Theo VnExpress