Gần hai tháng khi lũ lụt đi qua, nhiều trường học ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã dần ổn định.
Quyết tâm ổn định sĩ số
Mới đây, cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Duyệt, Trường Tiểu học Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) gửi cho tôi bức ảnh về một góc trường. Đó là những rặng cỏ xanh non mơn mởn, những bông hoa đã nở trong sân trường. Cô Duyệt nói với tôi rằng đó là công chăm sóc của chính cán bộ, giáo viên trong trường.
Một góc trường Tiểu học Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trong mọt buổi lễ chào cờ đầu tuần
Gặp cô Duyệt sau lũ khoảng 2 tuần, cô Hiệu trưởng có dáng người nhỏ nhắn, giọng nói khản đi cho biết: “Nhớ ngày đầu đến được trường sau lũ rút, chúng tôi đến trường với tâm trạng không diễn tả được, một cảnh tượng chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến: Hoang tàn, xơ xác, cây cối, sân bãi nhuốm một màu bùn đất. Đồ đạc, vật dụng, phòng học, thiết bị có thể nói như một đống phế liệu ùn ứ trong mỗi phòng học và ngập trong sa bồi (bùn non)... Trường là vậy, nhưng nhà các thầy cô giáo cũng không khá hơn mấy. Vì các thầy cô đều ở trong vùng thấp trũng, nhà cao nhất ngập gần cả mét, nhà thấp nhất ngập đến hơn 2 mét ... Những tưởng cuộc sống không biết đến bao giờ mới trở lại bình thường”.
Trong lũ lụt, khó khăn mất mát là chung nhưng nhiều thầy cô phải bỏ việc nhà để đến trường dọn dẹp, khắc phục với mong muốn có trường, lớp sạch sẽ cho các em học sinh trở lại trường sớm nhất có thể. Cô Hoàng Thị Duyệt chia sẻ: “Lòng yêu nghề, yêu trẻ, trách nhiệm đã giúp các thầy cô không quản thời gian khắc phục. Việc đầu tiên là làm sạch bùn đất trong lớp học, bàn ghế; nhặt nhạnh đồ dùng học tập, đồ dùng dạy học còn sử dụng được…”
Ngày đầu đi học sau lũ, thầy cô phải nắm sĩ số học sinh, hoàn cảnh các em và lên các phương án quyết tâm không để các em nghỉ học ở nhà vì khó khăn do lũ. Ban Giám hiệu trường nhiều trường như: THCS An Ninh, Tiểu học Hiền Ninh, Trường mầm non Gia Ninh và đại diện phụ huynh học sinh đến từng nhà động viên các em có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân giúp đỡ phần nào các em có gia đình thiệt hại nặng.
Hình ảnh thầy cô và quân đội khắc phục bùn đất sau lũ, cách đây gần 2 tháng
Nhiều tổ chức, cá nhân, các đoàn thiện nguyện đã kịp thời giúp đỡ từng đôi dép, tập vở, quyển sách, đồ dùng học tập, áo ấm, đồng phục... Nhờ vậy đến nay học sinh ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã giải quyết được khó khăn trước mắt, yên tâm đến trường.
Thầy Từ Công Khánh, Hiệu trưởng trường THCS An Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Ổn định sĩ số học sinh, nhà trường củng cố nền nếp dạy học, nâng cao chất lượng. Vì thời gian nghỉ dài do lũ nên trường phải tổ chức cho học sinh học bù. Các ngày thứ 7, chúng tôi đều phải tổ chức dạy học, các buổi sinh hoạt chuyên môn phải thực hiện vào chủ nhật. Nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của mỗi cá nhân giáo viên nên việc dạy học sớm ổn định, đến nay trường đã bắt kịp tiến độ dạy học như các trường bạn. Những giáo viên bị thiệt hại nặng, có hoàn cảnh khó khăn nhà trường trích một phần kinh phí chia sẻ, động viên đồng thời giới thiệu các tổ chức tặng quà, hỗ trợ góp phần khắc phục thiệt hại”.
Học sinh trường Tiểu học Hiền Ninh đọc thư động viên của các bạn miền Bắc
Những trường như Tiểu học Hiền Ninh, giáo viên nhà trường cũng tham gia nhiều buổi lao động xây dựng, cải tạo khuôn viên. Các bồn hoa, cây cảnh đã dần phục hồi. Mầm xanh bắt đầu trở lại sau ngày dài bị vùi bùn đất.
Cô Hoàng Thị Duyệt cho biết: “Trong khó khăn ấy mới thấy được tình cảm gắn bó của chị em đồng nghiệp. Là khi cùng nhau chia những bữa ăn, gói quà, quần áo ... Nhiều người bị thiệt hại nặng như cô Trương Phương Thảo, cô Trương Thị Thúy Hằng, cô Nguyễn Thị Hoa, cô Đỗ Ngọc Hân... nhưng luôn nhường cho đồng nghiệp khi được hỗ trợ. Tuy nhiên, bên cạnh những thiết bị dạy học khắc phục được, cùng với những hỗ trợ của nhà hảo tâm thì trường đang cần được giúp đỡ để các phòng học có ti vi đa năng, các phòng làm việc tầng 1 có đủ máy vi tính, máy in do ngập lụt bị hỏng nhà trường chưa mua lại được”.
Cắt giảm hội họp cuối năm
Theo thống kê, Quảng Bình có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập trong nước, hàng nghìn trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ban đầu của toàn ngành trong đợt lũ lụt lịch sử kéo dài này ước tính trên 370 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cơ sở vật chất trường học khoảng 100 tỷ đồng; thiệt hại về sách vở, thiết bị, đồ dùng học tập học sinh... trên 270 tỷ đồng.
Học sinh được đến trường sau lũ là niềm hạnh phúc của các thầy cô giáo
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Thuỳ, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Với thiệt hại nặng nề như vậy, sức của giáo viên không đủ, các nhà trường được sự hỗ trợ từ các lực lượng quân sự, công an, đoàn thanh niên huyện nên khối lượng lớn bùn đất cũng được dọn dẹp. Một tuần sau lũ rút học sinh trở lại trường. Dù không được đủ đầy như ngày khai giảng nhưng việc học được tiếp tục, đó là niềm hạnh phúc với cả thầy và trò huyện Quảng Ninh”.
Là một trong những địa phương có thiệt hại nặng nề ở miền Trung, Quảng Bình đã đón nhiều đoàn công tác sau lũ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến đây và cũng đưa ra lời kêu gọi về việc tặng sách và đồ dùng học tập thiết yếu cho học sinh vùng lũ.
Mới đây, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết: “Ngành Giáo dục Quảng Bình sẽ cắt giảm các hội nghị và một số hoạt động khác từ tháng 11 đến hết năm 2020 để tiết kiệm nguồn chi. Nguồn kinh phí tiết kiệm được sẽ sử dụng vào việc hỗ trợ mua sắm thiết bị dạy học, cùng các nguồn hỗ trợ khác của tổ chức, cá nhân để chia sẻ khó khăn với các trường học bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt”.
“Trong hoạn nạn, ngành GD&ĐT Quảng Bình vượt lên khó khăn, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự chia sẻ, động viên và hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần của các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm để sớm ổn định trường lớp, đưa học sinh đến trường ngay sau khi nước lũ rút. Đây là một sự nỗ lực rất lớn, tất cả vì sự nghiệp trồng người, vì học sinh thân yêu”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đinh Quý Nhân chia sẻ.
Theo TTXVN