Giáo dục

Trường học đề xuất nghỉ học thứ 7, phụ huynh "người mừng, kẻ lo"

Theo Vietnamnet 14/10/2023 09:44

Đề xuất học sinh được nghỉ học thứ 7 đang nhận được nhiều sự quan tâm dù không phải lần đầu tiên việc này được đề cập đến.

hoc-sinh.jpg
Hiện nay, đa số các trường THPT và THCS tổ chức dạy học từ thứ 2 đến thứ 7. Ảnh: Tuấn Anh

Mới đây, một số hiệu trưởng ở TP Hồ Chí Minh đã đề xuất học sinh được nghỉ học thứ 7. Mặc dù đây không phải lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra nhưng vẫn gây nên những tranh luận trái chiều ở phụ huynh cả nước, bởi điều này đồng nghĩa với việc học sinh phải tăng số tiết học trong những ngày từ thứ 2 đến thứ 6 để bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục.

"Tôi tha thiết mong con được nghỉ 2 ngày cuối tuần"

Đây là chia sẻ của chị Ngọc Mai (Ba Đình, Hà Nội). Từ đầu năm học đến nay, khi con gái lên lớp 7, nhà chị Ngọc Mai ở trong cảnh “thứ 7 bố mẹ ở nhà chơi, chờ con đi học”.

“Tiểu học và năm lớp 6, con học bán trú nên thứ 7 được nghỉ. Nhưng từ lớp 7, trường của con không tổ chức bán trú cho học sinh nữa nên tất cả các buổi chiều trong tuần con đi học, trừ Chủ Nhật”.

Mới chưa đầy 2 tháng, nhưng chị Mai cho biết đã cảm thấy “rất chán” với lịch học này.

“Trước đây, 2 ngày cuối tuần gia đình tôi thường đưa con đi chơi, về quê thăm ông bà, hay tập trung gia đình con cái vài người bạn thân tổ chức ăn uống, cho đám trẻ gặp gỡ vui chơi với nhau.

Thế nhưng nay con học thứ 7, lại là buổi chiều, nên buổi sáng cả nhà cũng chỉ ngủ nướng rồi dậy lo cơm nước, ăn trưa rồi con đi học là vừa vặn”.

Sau đó, hai vợ chồng chị cũng lại loanh quanh ngủ, nghỉ chờ đến chiều con về, rồi mới có thể tranh thủ cho con đi ăn hoặc đi ra nhà sách, hay “lượn” siêu thị một chút.

“Tôi thấy khá hoài phí thời gian bởi còn một ngày Chủ Nhật, lại đến lúc con muốn nghỉ ngơi ở nhà sau cả tuần đi học và cũng khó để sắp xếp đi dã ngoại thay đổi không khí.

Bây giờ cuộc sống áp lực, nên tôi thấy những ngày cuối tuần thực sự quan trọng để lấy lại năng lượng. Nếu nhà trường sắp xếp lại được lịch học để con được nghỉ ngày thứ 7, thêm cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường thì tốt quá” - chị Mai nêu ý kiến.

Anh Vũ Minh Khang (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), có con đang học lớp 10, cũng mong con có thêm ngày nghỉ.

"Hiện nay, con đang ở độ tuổi như chúng ta vẫn nói là "tuổi ăn tuổi ngủ", các con cần có thời gian để tham gia các hoạt động về thể chất, thậm chí thêm thời gian ngủ để "tranh thủ" lớn chứ không chỉ ngồi cả tuần học trong trường. Nhất là ở lớp 10, khi các con chưa phải chịu áp lực quá nặng như năm cuối cấp, tôi mong nhà trường sắp xếp lại thời khóa biểu để con được thêm ngày nghỉ" - anh Khang bày tỏ.

"Con ủng hộ nghỉ thứ 7" - Minh Long, con trai anh Khang, vui vẻ nói.

Có thể gây áp lực kiểu khác?

Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Huyền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại không mong sự thay đổi nào bởi “việc học của con đang vào nếp”.

“Con tôi học lớp 9, chỉ học buổi sáng trên lớp từ thứ 2 đến thứ 7. Thông thường khoảng hơn 12 giờ, con về nhà, ăn uống, nghỉ ngơi đến khoảng 15 giờ, sau đó là học thêm các môn Toán, Văn, Anh. 4 ngày trong tuần con có lịch học thêm vào buổi chiều từ 13-15 giờ, 2 ngày cháu học vào buổi tối từ 18-20 giờ.

Buổi tối hoặc chiều không học thêm, cháu làm bài tập về nhà giáo viên ở trường giao hoặc giáo viên học thêm giao, đồng thời tôi vẫn yêu cầu cháu làm một số việc nhà. Thường thì tới khoảng 22 giờ 30 cháu mới xong hết bài vở, công việc để đi ngủ”.

Theo chị Huyền, hiện tại, đây là lịch học phù hợp với sức khỏe, nhịp sinh học của con.

“Sang học kỳ II, gần ngày thi vào lớp 10, có thể con còn phải tăng thời gian học thêm, thậm chí cả thời gian học ôn ở trường. Vì vậy, tôi cho rằng nếu nhà trường dồn thời gian học ngày thứ 7 sang các ngày trong tuần, 1 ngày con học tới 6 tiết trên trường, về nhà vào khoảng 13h là quá mệt. Sau đó, mọi nhịp sinh hoạt, học tập bị đẩy lùi xuống, hoặc việc học thêm lại dồn sang ngày thứ 7… vẫn chẳng khác gì, thậm chí bất hợp lý hơn”, chị Huyền bày tỏ sự lo lắng.


Theo Vietnamnet
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường học đề xuất nghỉ học thứ 7, phụ huynh "người mừng, kẻ lo"