Những ngày qua, sinh viên ngành dược hệ đại học liên thông chính quy và đại diện các cơ sở liên kết đào tạo nhiều nơi đã kéo đến trụ sở Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.
Lãnh đạo Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội trong cuộc họp với các đơn vị liên kết ngày 9.9
Họ chất vấn lãnh đạo trường về việc sinh viên đã nghỉ hàng loạt, những người còn lại được học tiếp hay dừng, nếu học tiếp có được cấp bằng hay không, có hay không việc trường tuyển sinh trái phép.
Kéo đến trường bức xúc
Cụ thể, ngày 8.9, sinh viên kéo đến trụ sở chính của trường ở Hà Nội để thắc mắc liệu họ học tiếp thì có được cấp bằng hay không. Tiếp đó, ngày 9.9, các đơn vị liên kết đào tạo của trường cũng đến làm việc với lãnh đạo trường. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và công nghệ Hà Nội trả lời các đơn vị liên kết là đồng ý trả học phí và lệ phí thi cho những sinh viên không muốn học và tổ chức lớp học cho các sinh viên tiếp tục học.
Sinh viên tên M. (Hà Nội) kể mình thi vào hệ ĐH liên thông chính quy ngành dược của trường này và nhận giấy trúng tuyển hồi tháng 4.2019. Học đến đầu năm 2020, M. không thấy trường tổ chức lớp học nữa. Ngày 8.9, M. cùng các học viên lên trường để hỏi. "Sau khi biết nhà trường bị thanh tra, tôi đã thử tra mã số sinh viên của mình trong hệ thống thì không thấy tồn tại" - M. lo lắng nói.
Rất nhiều sinh viên từ các cơ sở Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Nghệ An, Đà Nẵng... cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều người trong số này đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đã đi làm tại các nhà thuốc và có nhu cầu học liên thông lên ĐH. Những học viên ở khu vực phía Bắc mà chúng tôi tiếp cận đều cho biết họ chọn vào Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội qua giới thiệu của giáo viên dạy ở hệ cao đẳng.
Học viên tên Đ. (Hà Nam) cho biết: "Các thầy đều nói trường này không khắt khe về thời gian học. Các thầy sẽ giúp chúng tôi có tấm bằng nên tôi hoàn toàn tin tưởng. Khi nghe thông tin trường bị thanh tra, thầy nói cứ yên tâm, có nhiều thông tin không chính xác đâu. Vì học hơn một năm rồi nên tôi đành tặc lưỡi theo tiếp chứ biết làm sao".
Còn học viên tên K. (Hưng Yên) cho biết: "Tôi đi học vì sếp cũ của cửa hàng dược nói mày đưa cho anh 20 triệu đồng, anh sẽ lo cho mày một tấm bằng! Thế là anh ấy đăng ký để tôi đi thi. Nguyện vọng của tôi thi vào trường khác nhưng đến ngày thi tôi mới biết mình đang thi vào Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội". Không chỉ K. mà nhiều học viên đăng ký thi ĐH khác, đến ngày thi mới biết thầy đăng ký cho thi vào Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.
Chưa đủ điều kiện vẫn tuyển sinh
Ngành dược thuộc khối ngành sức khỏe, liên quan đến tính mạng con người nên ngoài những quy định chung về tuyển sinh, khối ngành này còn bị ràng buộc bởi những điều kiện riêng.
Cụ thể, quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ ĐH (gọi tắt là quyết định 18) ngành dược như sau: trường đã và đang đào tạo trình độ ĐH theo tín chỉ ít nhất ba khóa liên tục khi tuyển sinh liên thông chính quy. Đối với đào tạo liên thông khối sức khỏe, ĐH phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất một khóa sinh viên trình độ ĐH chính quy đã tốt nghiệp.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội mới mở đào tạo ngành dược từ năm 2016 đến năm 2019, chưa có khóa nào ra trường. Căn cứ theo quyết định số 18, trường chưa đủ điều kiện đào tạo liên thông chính quy vào năm 2019.
Cũng theo quyết định 18, thí sinh cao đẳng muốn thi tuyển lên ĐH liên thông chính quy phải có chứng chỉ hành nghề trước khi thi. Thế nhưng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội chấp nhận cho sinh viên cao đẳng chưa có chứng chỉ hành nghề ứng tuyển hệ ĐH liên thông.
Khi bị sinh viên và các đơn vị đào tạo từ xa chất vấn, lãnh đạo trường này giải thích sinh viên có thể bổ sung chứng chỉ này trước khi tốt nghiệp ĐH liên thông. Ngày 9.9, đại diện các đơn vị liên kết đặt trạm đào tạo từ xa tới đối chất với lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã nói thẳng trường đã làm sai, phải có trách nhiệm bồi hoàn học phí, lệ phí thi cho những sinh viên muốn thôi học.
Đại diện của một cơ sở đào tạo trung cấp tại Nghệ An liên kết đào tạo với trường nói: "Gần 3.000 sinh viên theo học mấy năm qua. Giờ họ đòi bỏ học thì coi như lỗ rồi, mục tiêu giáo dục coi như thất bại hoàn toàn. Chúng tôi đề nghị trường phải trả đầy đủ tiền học phí lẫn lệ phí thi cho sinh viên...".
Phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Lãnh đạo trường này hẹn tiếp phóng viên vào hôm nay (17.9) để trả lời những câu hỏi sinh viên đặt ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tuyển sinh sai quy định Ngày 14.9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ ĐH, một trong những điều kiện để được phép đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe (trong đó có ngành dược) là cơ sở giáo dục ĐH phải bảo đảm điều kiện có ít nhất một khóa sinh viên trình độ ĐH hình thức chính quy đã tốt nghiệp. Tại thời điểm năm 2017, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội chưa đủ điều kiện để tổ chức đào tạo liên thông ngành dược học. Bên cạnh đó, việc trường tổ chức thí điểm đào tạo liên thông ngành dược từ năm 2017 và tổ chức đào tạo tại một số địa phương là không đúng quy định hiện hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường này dừng việc tuyển sinh đào tạo liên thông ngành dược sai quy định, không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời báo cáo chi tiết việc tổ chức liên thông đào tạo ngành dược theo từng năm (từ 2015 đến nay)… |