Giáo dục

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố 5 phương thức tuyển sinh

H.Q (theo Tuổi trẻ) 27/01/2024 21:00

Ngày 27/1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển khoảng 4.400 sinh viên bằng 5 phương thức tuyển sinh.

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức

5 phương thức tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gồm: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, xét tuyển thẳng, xét học bạ THPT, thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực), kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Trong đó tất cả các phương thức tuyển sinh của nhà trường đều yêu cầu điều kiện về hạnh kiểm và học lực bậc THPT của thí sinh.

Phương thức 1: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Điều kiện là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp THPT đạt loại khá trở lên.

Phương thức 2: Xét tuyển thẳng các thí sinh là học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường THPT chuyên (hoặc các trường THPT trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh), học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế (gọi tắt là diện XTT2).

Thí sinh chỉ được đăng ký duy nhất một nguyện vọng xét tuyển thẳng diện XTT2.

Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2024 có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ đạt loại tốt, có học lực giỏi cả 3 năm cấp THPT và phải thỏa mãn một trong các điều kiện quy định dưới đây:

- Thí sinh là học sinh thuộc đội tuyển cấp tỉnh/thành phố hoặc đội tuyển của trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

- Thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên (hoặc các trường THPT trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố/trường đại học cấp THPT.

- Thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên hoặc các trường THPT trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

- Thí sinh là học sinh các trường THPT khác đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố cấp THPT hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ tin học quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày 19/5/2024).

Nhà trường lưu ý các thí sinh thuộc 3 nhóm đầu có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: IELTS hoặc TOEFL iBT (thời hạn 2 năm tính đến ngày 19/5/2024) được xem xét cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển theo phương thức 2 vào các ngành sư phạm toán học (dạy toán bằng tiếng Anh), sư phạm tiếng Anh và ngôn ngữ Anh; mức điểm ưu tiên (theo thang điểm 30).

Phương thức 3: Xét học bạ THPT. Điều kiện đăng ký xét tuyển đối với các ngành đào tạo giáo viên, thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp THPT đạt loại tốt và học lực 3 năm đạt từ giỏi trở lên.

Riêng đối với ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; đối với ngành sư phạm công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi.

Đối với các ngành khác (ngoài sư phạm): Thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ và học lực 3 năm cấp THPT đạt từ khá trở lên.

Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu với điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp hoặc thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.

Phương thức này áp dụng với thí sinh thi vào ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục mầm non và giáo dục mầm non - sư phạm tiếng Anh.

Điều kiện chung là thí sinh có hạnh kiểm các kỳ đạt khá trở lên.

Phương thức 5: Dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức, kết hợp với học bạ hoặc điểm thi năng khiếu (với ngành giáo dục mầm non hoặc giáo dục mầm non - sư phạm tiếng Anh).

Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng cách này cần có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp THPT từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12) từ 6,5 trở lên.

Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 18,3 đến 28,4. Ngành sư phạm lịch sử lấy điểm chuẩn cao nhất. Với phương thức xét học bạ, điểm trúng tuyển dao động 20,5-29,8 điểm.

Trường đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý các ngành sư phạm không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp.

Các thí sinh trúng tuyển các ngành sư phạm tin học, sư phạm sinh học sau khi nhập học có thể đăng ký để nhà trường xét tuyển tương ứng vào học các ngành sư phạm tin học (dạy tin học bằng tiếng Anh), sư phạm sinh học (dạy sinh học bằng tiếng Anh), nếu có nguyện vọng.

Thí sinh dự thi vào ngành giáo dục quốc phòng và an ninh phải có sức khỏe tốt, thí sinh mắc tật khúc xạ cận hoặc viễn thị không quá 3 độ, không có dị tật bẩm sinh, hình xăm phản cảm. Nam cao từ 1,60m trở lên, nữ cao từ 1,55m trở lên.

H.Q (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố 5 phương thức tuyển sinh