Trường chuyên nghiệp chưa quan tâm nghiên cứu khoa học

17/11/2017 13:10

Cùng với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thì nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động rất quan trọng ở các trường chuyên nghiệp.

Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là trường hiếm hoi có cơ sở vật chất, trang thiết bị khá tốt phục vụ công tác nghiên cứu khoa học

Đây là một trong hai tiêu chí chính để đánh giá việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Nhưng thực tế hoạt động này ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều hạn chế.

Thiếu thốn

Thời gian qua, công tác NCKH của các trường chuyên nghiệp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên chưa khai thác, phát huy được khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ NCKH của các trường chuyên nghiệp rất thiếu thốn. Vừa qua, Thầy thuốc Nhân dân, Phó Giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Vũ Đình Chính, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tổ chức nhóm khảo sát hoạt động NCKH năm học 2016 - 2017 ở 3 trường đại học (Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Sao Đỏ, Hải Dương) và 4 trường cao đẳng (Dược Trung ương - Hải Dương, Du lịch và Thương mại Hải Dương, Hải Dương, Giao thông vận tải đường thủy I Hải Dương). Kết quả khảo sát cho thấy cơ sở vật chất phục vụ cho NCKH của các trường đều thiếu đồng bộ. Các trường đại học đã đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm nhưng số lượng ít và tỷ lệ đạt tiêu chuẩn ISO, GMP... rất thấp. Hiện nay, chỉ có Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương có 1 labo xét nghiệm an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn. Các trường cao đẳng, trung cấp hầu như không có cơ sở dành cho nghiên cứu, chủ yếu là nhà xưởng, phòng thực hành mang tính hướng dẫn, thực tập nghề.

Đội ngũ nhân lực của các trường còn nhiều hạn chế, khó đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ NCKH. Theo kết quả khảo sát, 7 trường đại học, cao đẳng trên có 951 giảng viên. Trong đó, số giáo sư (GS), PGS chỉ 3,15%, TS 10%, thạc sĩ 56,36%. Ở các trường cao đẳng không có giảng viên là GS, PGS; trình độ TS chỉ chiếm 2,6%, thạc sĩ chiếm 41,56%. Ông Nguyễn Minh Vỹ, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ (Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I Hải Dương) cho biết: "Nhà trường hiện có 71 giảng viên, nhiều năm nay không có giảng viên trình độ TS, có 22 giảng viên trình độ thạc sĩ, còn lại trình độ đại học".

Nguồn kinh phí dành cho NCKH của các trường hạn hẹp, chưa đúng theo quy định. Các trường hầu như không thu hút được kinh phí từ nguồn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp vì thiếu những nghiên cứu mang tính đặt hàng. TS Vũ Quang Thập, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương chia sẻ: "Dù công tác NCKH được nhà trường quan tâm, nhưng cũng mới dành được hơn 3% kinh phí từ nguồn thu học phí". Trong khi hiện nay theo quy định phải dành 5% cho giảng viên và 3% cho sinh viên NCKH.

Đề tài xa cuộc sống

Do thiếu thốn về cơ sở vật chất lẫn kinh phí trực tiếp chi cho NCKH nên số lượng giảng viên tham gia NCKH không nhiều. Một số giảng viên tham gia nhưng chưa nhiệt tình và say mê nghiên cứu. Nhiều công trình NCKH chất lượng kém, hàm lượng khoa học thấp, ít bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín. Vẫn còn tình trạng làm đề tài khoa học cho có, nặng về thành tích, số lượng.

Kết quả khảo sát năm học 2016 - 2017 cho thấy các trường đại học, cao đẳng có 386 đề tài NCKH các cấp. Trong đó chỉ có 10 đề tài cấp bộ, cấp tỉnh. Nhiều trường còn dễ dãi trong việc xét duyệt đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, chất lượng thực hiện các đề tài của các trường có sự khác nhau. Trường thực hiện đề tài cấp cơ sở nhiều nhất thì số bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong, ngoài nước lại thấp nhất và không có giải thưởng khoa học và ngược lại. TS, bác sĩ Trần Quang Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết: "Tuy nhà trường đã quan tâm, động viên giảng viên chú trọng nghiên cứu các đề tài mang tính ứng dụng nhưng số lượng có hạn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh đang có". Hoạt động NCKH của đội ngũ giảng viên trường đại học, cao đẳng hiện chủ yếu tập trung phục vụ công tác giáo dục, đào tạo. Trong số đề tài các trường thực hiện, rất ít đề tài ứng dụng được vào thực tế, giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra.

Để công tác NCKH phát huy được vai trò, ý nghĩa, phục vụ tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và cuộc sống, nhất là đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ 4 (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động NCKH. Các trường cần quan tâm xây dựng văn hóa NCKH, gắn trách nhiệm này với phát triển nghề nghiệp của giảng viên. Mỗi trường nên tập trung vào xây dựng, phát triển đội ngũ nòng cốt NCKH, tổ chức làm việc theo nhóm, theo lĩnh vực, sở trường. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ NCKH như chuẩn hóa các labo nghiên cứu, cải thiện cơ sở dữ liệu, tạo cơ chế linh hoạt...

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Trường chuyên nghiệp chưa quan tâm nghiên cứu khoa học