Để giữ đất trước nạn khai thác cát trái phép, người dân ở xã Thái Tân (Nam Sách) đã phải xua đuổi “cát tặc” bằng… gạch đá.
"Cát tặc" làm tan hoang bãi bồi thôn Tân Thắng
Những tưởng việc khai thác cát trái phép ở khu vực bãi bồi xã Thái Tân (Nam Sách) sẽ lắng xuống khi cuối tháng 8 vừa qua, UBND huyện Nam Sách triển khai Đề án phòng chống khai thác cát trái phép tới các xã ven sông. Thế nhưng suốt trong tháng 9, việc khai thác cát trái phép ở xã này vẫn "nóng".
Những ngày gần đây, đêm đêm “cát tặc” bao vây quanh bờ bãi thôn Tân Thắng. Hơn chục chiếc tàu hút cát đủ các cỡ chờ trời tối hẳn là sục vòi vào chân bãi hút cát. Chúng quần thảo ở đây làm đất lở tan hoang. 74 mẫu đất trồng màu của thôn nay chỉ còn không đầy 25 mẫu. “Cát tặc” lấn dần mỗi đêm, sâu vào bãi hơn trăm mét, có chỗ đã giáp hành lang bảo vệ đê điều.
Bà con nông dân xót xa nhìn những vạt đất bồi màu mỡ lở xuống sông mỗi ngày. Quá bức xúc, họ đã bàn cách tự giữ lấy đất. Hơn 1 giờ sáng 29-9, sau một hồi phát loa báo động, hàng chục người dân trong thôn ào ra bờ sông, dùng gạch, đá ném thẳng vào 4 chiếc tàu đang rúc vào đất bãi. Trước sự căm phẫn của người dân, 3 chiếc tàu đã tháo chạy. Còn 1 chiếc tàu trọng tải 300 tấn các đối tượng trên tàu chỉ kịp trốn sang tàu khác, bỏ lại tàu và máy hút vẫn nổ, ít phút sau thì nước ngập khoang và chìm.
Ông Phạm Ngọc Trước, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thắng cho biết: "Hơn 8 giờ tối 29-9, 8 tàu lớn của “cát tặc” đã vào bãi của thôn để hút cát. Chúng tôi ra đuổi tàu, chúng rút ra xa gần 100m, hút cát cho đầy tàu rồi mới đi. Đến hơn 1 giờ sáng, 4 tàu quay lại, khi đang sục vòi rồng vào đất bãi, thôn phát động toàn thể bà con ra chống lại "cát tặc" để giữ đất. Các tàu cát giờ dùng đầu máy hút công suất lớn. Đường kính vòi hút 30 cm, chỉ hút trong 1 giờ là đầy tàu 300 m3. Suốt thời gian qua, hằng đêm khu vực này có 15 chiếc tàu thay nhau vào hút cát, làm tan hoang bãi bờ".
Mới đây, ngày 8-9, tại bãi bồi thôn Mạc Bình, một tàu “cát tặc” cũng bị đắm do người dân tấn công quyết liệt, tàu đầy cát, quay gấp nên bị chìm. Bãi bồi thôn Mạc Bình cũng là địa chỉ “cát tặc” quần thảo. Trên 50 mẫu đất bãi ở đây đã trôi sông trong mấy năm qua. Bãi rộng, người dân rất khó giữ đất. Chúng tôi thấy cứ 20m, người dân lại chuẩn bị 1 bao tải gạch, sẵn sàng ứng phó khi “cát tặc” vào bãi.
Bà Vương Thị Oanh thuê 1 mẫu ruộng của Tập đoàn Sao Đỏ cạnh bờ sông thôn Đình, xã Thái Tân để trồng cà rốt. Bà cho biết: Đêm 25-9, có 5 tàu vào đây hút cát làm mất gần một sào cà rốt gia đình bà đã lên luống, gieo hạt. Ông Đinh Xuân Thừ, người dân thôn Đình bức xúc: "Mấy năm gần đây, thôn mất đất bãi vì cát tặc. Chúng tôi muốn làm ăn giờ chẳng còn đất. Nhiều gia đình thuê đất lại của bà con để trồng màu. Hàng chục gia đình mất từ 1 đến vài mẫu đất vì cát tặc. Chính quyền, các lực lượng chức năng để thế này dân biết trông cậy vào đâu?".
Trong tháng 8-2016, chi bộ, chính quyền 2 thôn Chu Đậu và thôn Đình đã vận động người dân bán rẻ đất bãi ngoài đê bối cho Tập đoàn Sao Đỏ. Thôn Đình bán với giá 14 triệu đồng/sào. Thôn Chu Đậu bán 15 triệu đồng/sào. Hàng chục mẫu ruộng đều vào tay Tập đoàn Sao Đỏ. Tập đoàn này mua gom đất của dân để làm gì thì chưa rõ, song có nhiều tàu khai thác cát trái phép ở khu vực này.
Theo ông Đinh Xuân Lực, người dân ở thôn Đình, việc bán đất cần được cơ quan chức năng làm rõ. Việc "cát tặc" hoành hành suốt chiều dài 5 km đất bãi trong nhiều năm qua, các thôn bị hút sâu vào 150-250m, phải chăng có sự bảo kê? Gần đây, Công ty CP Tập đoàn Sao Đỏ chấp thuận thực hiện dự án đầu tư khai thác cát làm vật liệu xây dựng tại bãi bồi xã Thái Tân. Quy mô dự án 16 ha, trong đó khu vực thôn Đình và thôn Chu Đậu 11 ha. Dự án chưa được tỉnh cấp phép khai thác, song phần đất dự kiến cấp phép đã bị khai thác gần hết. Đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã, cấp huyện không giữ được đất, làm mất đất của dân, mất tài nguyên của Nhà nước.
TRUNG TRỰC