Ngày 11.3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn khẳng định, nước này không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ và sẽ không khơi mào một cuộc chiến như vậy.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể giải quyết bất cứ thách thức liên quan nào, đồng thời sẽ bảo vệ các lợi ích của đất nước và người dân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thăm Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu họp báo bên lề Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, ông Chung Sơn cho rằng trong chiến tranh thương mại không có người chiến thắng, chỉ có những kết cục tồi tệ đối với hai bên và cả thế giới. Ngoài ra, ông cũng lưu ý các phương thức thống kê khác nhau đã làm tăng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm ngoái thêm khoảng 20%.
Số liệu chính thức cho thấy năm ngoái, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng 13%/năm lên 1,87 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 295 tỷ USD).
Quan chức này cho rằng sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước là vấn đề cơ cấu khi Trung Quốc xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn và nhập khẩu nhiều dịch vụ hơn từ nước này. Theo ông, vấn đề cạnh tranh thương mại được quyết định bởi các ngành công nghiệp và việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc cũng góp phần dẫn đến mất cân bằng thương mại song phương. Kết quả nghiên cứu của Mỹ gần đây cho thấy nếu Washington nới lỏng hạn chế xuất khẩu, thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ giảm 35%.
Theo lãnh đạo ngành thương mại Trung Quốc, hiện hai nước có những nhu cầu khác nhau về việc mở cửa thị trường trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, ô tô, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác do các điều kiện khác nhau tại từng quốc gia. Bên cạnh đó, lập trường khác nhau trong an ninh mạng Internet, quyền sở hữu trí tuệ cũng tác động đến đầu tư và thương mại song phương.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh hai bên vẫn chưa ngừng đối thoại kinh tế và sẽ còn tiếp tục trao đổi, đồng thời nêu rõ Bắc Kinh muốn giải quyết mọi sự khác biệt thông qua hợp tác, mang lại kết quả hai bên cùng có lợi, qua đó giúp ổn định kinh tế toàn cầu.
Trước đó, đầu tháng này, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Lưu Hạc đã tới Washington và gặp gỡ giới chức Mỹ. Hai bên đã nhất trí rằng Bắc Kinh và Washington nên giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hợp tác thay vì đối đầu. Hai nước cũng nhất trí thảo luận các vấn đề liên quan tại Bắc Kinh trong tương lai gần, nhằm tạo điều kiện cho việc tăng cường hợp tác.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/3 ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới. Trung Quốc là một trong những quốc gia sẽ chịu tác động mạnh bởi sắc lệnh trên vì nước này là nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới (chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu) và mỗi năm ước tính xuất khoảng 3 triệu tấn sản phẩm thép sang Mỹ.