Hình ảnh của công ty vệ tinh Israel ImageSat International (ISI) cho thấy một vật thể có hình dạng khinh khí cầu được trông thấy đang trôi nổi bên trên khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
ISI đăng ảnh vệ tinh mà công ty xem là bằng chứng đầu tiên về hoạt động của khinh khí cầu của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: Twitter
Theo báo SCMP ngày 29.11, hình ảnh này chỉ ra rằng Trung Quốc đã sử dụng khinh khí cầu để thu thập thông tin quân sự trong khu vực.
Hình ảnh, được vệ tinh của công ty ISI chụp ngày 18.11, cũng là bằng chứng đầu tiên chứng minh Bắc Kinh đã triển khai một thiết bị bay như thế tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Việc sử dụng khinh khí cầu cho phép Trung Quốc nhận diện tình huống liên tục trong khu vực giàu tài nguyên này" - ISI đăng tải bình luận trên Twitter kèm theo bức ảnh có hình khinh khí cầu.
Theo tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, Trung Quốc đưa tin về việc bắt tay vào xây dựng hệ thống khinh khí cầu cảnh báo sớm từ năm 2017. Những khinh khí cầu này được lắp rađa để phát hiện các máy bay tầm thấp.
Những khinh khí cầu này có thể duy trì hoạt động ổn định trong một thời gian, là một giải pháp tương đối rẻ, hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết để giám sát một khu vực rộng lớn trong trường hợp không thể triển khai các máy bay do thám.
Khi kết hợp khinh khí cầu trên với hệ thống rađa mặt đất, các vệ tinh và máy bay trinh sát cảnh báo sớm, chúng sẽ hình thành một mạng lưới giám sát toàn diện.
Theo Kanwa Asian Defence, Trung Quốc đang triển khai các khinh khí cầu kiểu này tới một số điểm nóng chiến lược của nước này như tại khu vực biên giới với Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Các khinh khí cầu công suất lớn có thể giám sát các mục tiêu trên không lẫn các mục tiêu di động dưới mặt đất trong bán kính 300km.
Theo Tuổi trẻ