Trung Quốc hôm 7-12 phản ứng gay gắt với Philippines, thách thức trọng tài quốc tế bằng tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên Biển Đông.
Một tuần trước khi Bắc Kinh phải đối mặt với vụ kiện tranh chấp trước tòa án quốc tế, dự kiến vào ngày 15-12.
Tấm bản đồ khổ dọc phi pháp của Trung Quốc, bao trọn Biển Đông, nhiều phần Đông Nam Á, Ấn Độ (ảnh: AP)
Trung Quốc vốn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương, sau việc Trung Quốc có những động thái gia tăng tranh chấp xung quanh khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Manila đã đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế hồi năm ngoái để yêu cầu giải quyết đúng theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Nó cung cấp cơ chế cơ bản để giải quyết tranh chấp trên các vùng biển quốc tế.
Ông Xu Hong, Vụ trưởng Vụ Hiệp ước và Pháp chế của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói Philippines là “ngoan cố, gây căng thẳng khi đẩy vụ việc ra tòa án”, thay vì đàm phán với Bắc Kinh để giải quyết.
Trả lời trước báo chí, ông Xu Hong tuyên bố Trung Quốc từ chối và không tham gia vào quá trình tố tụng này.
“Vụ việc này chẳng thể thay đổi được lịch sử rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với nhiều hòn đảo trên biển Đông cũng như vùng biển lân cận”, ông Xu Hong nói.
Trung Quốc cho rằng việc từ chối không tham gia phiên tòa là phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc nói thêm: trước đó cả Bắc Kinh và Manila đã đồng ý giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phlippines Charles Jose nói: Chính phủ Philippines sẽ nghiên cứu phản ứng của Trung Quốc và có thể đưa ra cách thức giải quyết kịp thời.
"China out of Philippines" là khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh của Manila (ảnh: AP)
Philippines xác định sẽ theo đuổi vụ kiện này bền bỉ và tìm kiếm một giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế cho các tranh chấp lãnh thổ kéo dài.
Philippines đặt ra câu hỏi về những căn cứ pháp lý để Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với đường 9 đoạn cũng như về tấm bản đồ khổ dọc trên Biển Đông, bao gồm cả lãnh thổ của cả các nước trong khu vực.
Theo VOV