Đó sẽ là tàu vũ trụ "cảm tử" thực hiện nhiệm vụ phòng thủ Trái Đất tương tự với tàu DART mà Mỹ từng phóng trước đó.
Theo Daily Mail, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) Wu Yanhua cho biết tàu vũ trụ làm nhiệm vụ phòng thủ Trái Đất của nước này sẽ được phóng vào giữa thập niên này. Mục tiêu của nó là một tiểu hành tinh chưa được tiết lộ rõ chi tiết, nhưng là một vật thể có khả năng va chạm với Trái Đất trong tương lai.
Trong thí nghiệm này, tàu vũ trụ không người lái sẽ làm nhiệm vụ cảm tử, lao thẳng vào tiểu hành tinh nguy hiểm theo một góc được tính toán chi tiết để làm chệch quỹ đạo, khiến vật thể không còn nguy cơ va chạm Trái Đất nữa.
Đó sẽ là cơ sở để các nhà khoa học hoàn thiện một tàu vũ trụ "thực chiến" trong tương lai, sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào có vật thể nguy hiểm xuất hiện.
CNSA cũng có kế hoạch thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm và phát triển phần mềm mô phỏng để ngăn lại các vật thể nguy hiểm với Trái Đất.
Trước Trung Quốc, Mỹ cũng từng thử nghiệm tàu vũ trụ làm chệch hướng tiểu hành tinh, phóng vào tháng 11/2021.
Tàu vũ trụ mang tên DART của Mỹ hiện vẫn đang tiếp tục hành trình dự kiến kéo dài 1 năm để đâm vào vật thể nhỏ hơn trong cặp đôi tiểu hành tinh Dimorphos, cách Trái Đất 6,8 triệu dặm.
Dimorphos cũng là một cặp vật thể gần Trái Đất thuộc loại "có khả năng gây nguy hiểm" theo tính toán của NASA. Nó gồm một tiểu hành tinh lớn và một cái khác nhỏ hơn quay quanh cái lớn như một mặt trăng. Mục tiêu của DART chính là làm mặt trăng này văng khỏi quỹ đạo.
Có rất nhiều vật thể không gian được các cơ quan vũ trụ khắp thế giới theo dõi vì xếp vào loại có thể gây nguy hiểm cho hành tinh, nhưng chủ yếu chỉ cần theo dõi thêm. Các tàu vũ trụ như DART hay dự án mà Trung Quốc đang thực hiện sẽ nhắm vào các vật thể có khả năng thật sự cao - tuy đắt đỏ nhưng hoàn toàn cần thiết nếu như xuất hiện một tiểu hành tinh nào đó đáng sợ như tiểu hành tinh gây ra đại tuyệt chủng khủng long.
Theo VTC