Trung Quốc, với mục tiêu trở thành một cường quốc không gian vào năm 2030, đã ngỏ lời mời hợp tác quốc tế với sứ mệnh Mặt Trăng mới.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiến gần đến thời hạn của sứ mệnh thiết lập môi trường sống lâu dài trên cực Nam Mặt Trăng.
Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) trong khuôn khổ Hội nghị Du hành vũ trụ Quốc tế lần thứ 74 tại Baku, Azerbaijan ngày 2/10 bày tỏ rằng Bắc Kinh hoan nghênh các nước và tổ chức quốc tế cùng tham gia sứ mệnh Chang'e-8 (Hằng Nga 8). CNSA đồng thời mong muốn có thể cùng thực hiện các dự án “cấp sứ mệnh”.
Theo thông tin chi tiết công bố trên trang web của CNSA, dự án ở cấp sứ mệnh đồng nghĩa với Trung Quốc và các đối tác quốc tế có thể phóng và vận hành tàu vũ trụ, tiến hành "tương tác" giữa tàu vũ trụ với tàu vũ trụ và cùng nhau khám phá bề mặt Mặt Trăng. CNSA còn bổ sung rằng các đối tác quốc tế cũng được hoan nghênh tham gia sứ mệnh Hằng Nga-8 và triển khai độc lập các module của riêng họ sau khi tàu vũ trụ Trung Quốc hạ cánh.
Các bên quan tâm cần gửi thư bày tỏ ý định cho CNSA trước ngày 31/12. Việc lựa chọn đề xuất cuối cùng sẽ diễn ra vào tháng 9/2024. Sứ mệnh Hằng Nga-8 sẽ tiếp nối Hằng Nga-7 vào năm 2026, cũng nhằm mục đích tìm kiếm tài nguyên trên cực Nam của Mặt Trăng. Hai sứ mệnh này sẽ đặt nền móng cho việc xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) do Bắc Kinh dẫn đầu vào những năm 2030.
Trung Quốc đã đưa tàu thăm dò không người lái lên Mặt Trăng trong sứ mệnh Hằng Nga-5 vào năm 2020. Nước này còn có kế hoạch phóng tàu thăm dò Hằng Nga-6 tới phần bị che khuất của Mặt Trăng vào nửa đầu năm 2024 để lấy mẫu đất. Trung Quốc đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030.
Lộ trình này của Trung Quốc trùng hợp với chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Artemis hướng tới mục tiêu đưa các phi hành gia Mỹ quay trở lại về mặt Mặt Trăng vào tháng 12/2025. Dự kiến khi đó, sứ mệnh Artemis 3 sẽ đưa hai phi hành gia Mỹ hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng. NASA còn lên kế hoạch cho sứ mệnh Artemis 4 và 5 lần lượt cho 2027 và 2029. Lần gần đây nhất con người đặt chân lên Mặt Trăng là vào năm 1972 trong chương trình Apollo của Mỹ.
Luật pháp Mỹ cấm NASA hợp tác với Trung Quốc, dù trực tiếp hoặc gián tiếp. Tính đến 29/9, có 29 quốc gia - bao gồm Ấn Độ vốn đưa tàu thăm đến dò gần cực Nam của Mặt Trăng vào tháng 8 - đã ký Hiệp ước Artemis. NASA và Bộ Ngoại giao Mỹ soạn thảo hiệp ước này nhằm thiết lập các chuẩn mực ứng xử trong không gian và trên bề mặt Mặt Trăng. Trung Quốc và Nga không tham gia vào hiệp ước.
Theo báo Tin tức