Trung Quốc thường xuyên thực hiện các cuộc khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa và đang mở rộng về phía nam xuống quần đảo Trường Sa.
|
Giới chức tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vừa ngang nghiên tuyên bố nước này thường xuyên thực hiện các cuộc khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa và đang mở rộng công việc này về phía nam xuống quần đảo Trường Sa.
Cụ thể, Tân Hoa xã tối 9-7 dẫn lời ông Wang Yiping, quan chức đứng đầu về di tích văn hóa tỉnh Hải Nam, tiết lộ trong 2 năm tới Trung Quốc sẽ trục vớt các xác tàu nằm xung quanh đảo Hoàng Sa và đảo Quang Ảnh, cả hai đều thuộc Hoàng Sa.
Ông Wang còn ngang nhiên khẳng định tại hai vị trí trên giới khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện một số hiện vật từ thời nhà Thanh (1644-1911).
Ông Wang còn khoe rằng từ đầu năm 2014, giới chức của cái gọi là thành phố.Tam Sa mà Bắc Kinh ngang nhiên lập ra năm 2012 để tự cho mình quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa đã tiến hành các chương trình bảo tồn đối với đảo Hữu Nhật và đá Bắc, đều thuộc Hoàng Sa.
Hành động này của Trung Quốc rõ ràng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng theo ông Wang, Trung Quốc đã lên kế hoạch lập một cơ sở khảo cổ dưới nước cấp quốc gia, một cơ sở làm việc và một viện bảo tàng liên quan đến biển Đông để bảo vệ cái gọi là con đường tơ lụa trên biển và bổ sung hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận con đường đó là di sản thế giới.
Theo Tân Hoa xã, con đường tơ lụa trên biển xuất hiện từ nhà Tần đến nhà Hán (221 trước Công nguyên-220 sau Công nguyên), bắt đầu từ bở biển phía đông của Trung Quốc đi qua biển Đông và Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải.
Tháng 6.2014 chín thành phố ở Trung Quốc đã ra tuyên bố chung ủng hộ biển Đông là một phần của con đường tơ lụa trên biển. Giám đốc Sở Văn hóa Hải Nam Zhu Hansong còn tuyên bố tỉnh này sẽ dẫn đầu 6 tỉnh khác trong việc xúc tiến làm hồ sơ đề nghị con đường tơ lụa được công nhận là di sản thế giới UNESCO.
Cũng theo Tân Hoa xã, kể từ năm 1990, giới chức Trung Quốc đã xác định vị trí của 136 địa điểm khảo cổ dưới nước ở biển Đông, trong đó có nhiều nơi được Bắc Kinh liệt vào “danh sách địa điểm bảo vệ quốc gia”.
Giới quan sát cho rằng việc đẩy mạnh khảo cổ tới Trường Sa là hành động mới nhất nhằm củng cố bằng chứng lịch sử cho tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với gần toàn bộ khu vực biển Đông và thực hiện mưu đồ kiểm soát hiệu quả vùng biển này.
Trước đó, Cục Khí tượng Trung Quốc cũng đã ngang nhiên tuyên bố kể từ năm 2014 sẽ mở rộng khu vực cảnh báo bão 24/24 giờ đối với toàn bộ khu vực biển Đông.
Từ ngày 2-5 đến nay, Trung Quốc vẫn ngoan cố cho giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chưa hết, Trung Quốc còn bị Philippines tố đang có hoạt động cải tạo phi pháp tại ít nhất 5 bãi đá ở Trường Sa.
Văn Khoa