Khoảng 70 quan chức ở một số tỉnh thành của Trung Quốc đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau do phản ứng chậm chạp và quản lý yếu kém trong việc đối phó với làn sóng dịch mới nhất ở nước này.
Người dân ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc đang được xét nghiệm axit nucleic hôm 8.8.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, ngày 12.8, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc đã kỷ luật 20 quan chức vì chưa làm tròn trách nhiệm đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 ở địa phương hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
Đây là tỉnh mới nhất trừng phạt các quan chức vì năng lực quản lý yếu kém trong việc đối phó với dịch COVID-19, được coi là một một phần quan trọng trong chiến lược phòng chống và kiểm soát dịch bệnh linh hoạt và năng động của Trung Quốc, điều đã được chứng minh là hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19 của nước này.
Ngoài Quảng Đông, khoảng 50 quan chức ở những địa phương khác - những nơi đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta, bao gồm Nam Kinh, Dương Châu và Trịnh Châu - cũng bị kỷ luật ở mức cao nhất và bị xử lý nghiêm khắc nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc hồi năm 2020.
Trong số 20 quan chức Quảng Đông bị kỷ luật, 11 người đã bị sa thải hoặc cách chức, bao gồm Huang Guanglie, Giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Quảng Châu; Chen Xiaohua và Bi Ruiming, Bí thư và Phó Bí thư đảng huyện Lệ Loan, tỉnh Quảng Châu, nơi vừa bước vào làn sóng dịch đầu tiên; Zou Jianzeng, Bí thư Đảng ủy của Bệnh viện Trung tâm Lệ Loan. 9 quan chức khác cũng đã bị cảnh cáo, lập hồ sơ xử phạt nghiêm trọng hoặc phải đối mặt với sự điều chỉnh chức vụ của họ.
Quảng Châu là khu vực hứng chịu làn sóng bùng phát biến thể Delta đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối tháng 5. Đợt bùng phát đã lan rộng ra một số thành phố của tỉnh Quảng Đông, với khoảng 150 ca nhiễm trong 20 ngày. Một số cán bộ bị kỷ luật thường xuyên bộc lộ năng lực quản lý yếu kém, một số không làm tròn trách nhiệm và lơ là nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch.
Các hình thức kỷ luật ở Quảng Châu được đưa ra trong bối cảnh hơn một nửa trong số 31 tỉnh thành của Trung Quốc đang chìm trong làn sóng dịch COVID-19 mới, được mô tả là nghiêm trọng nhất kể từ khi khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, sau khi phát hiện các ca mắc đầu tiên ở Nam Kinh, Giang Tô, miền đông Trung Quốc hồi tháng 7.
Kể từ ngày 20.7, ít nhất 47 quan chức đã bị kỷ luật trong làn sóng dịch mới tại các thành phố bao gồm Nam Kinh, Dương Châu ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam và Trương Gia Giới ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của dịch COVID-19 ở Trung Quốc do biến thể Delta gây ra đã lây lan ra 17 tỉnh và khu vực. Trên 1.000 ca nhiễm đã được ghi nhận cho đến nay. Khoảng một nửa trong số đó được báo cáo ở Dương Châu.
Cũng trong ngày 12.8, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đã thúc đẩy một cuộc thanh tra và kỷ luật nghiêm khắc đối với các quan chức lơ là nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh. CCDI cho rằng các quan chức phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nghiêm trọng, điều này nhằm nâng cao trách nhiệm của họ trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, Trung Quốc đã rất chú trọng đến việc giám sát trách nhiệm của các quan chức như một phần của chiến lược đối phó dịch bệnh toàn diện, đã được chứng minh là hiệu quả của nước này. Cho đến nay, trên 3.000 cán bộ trên toàn quốc đã bị kỷ luật vì hoạt động kém hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.
Các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng hình thức kỷ luật hợp lý đối với tất cả các quan chức lơ là nhiệm vụ có ý nghĩa cảnh báo tất cả các thành phố không được mất cảnh giác, vì ngay cả việc chủ quan nhỏ cũng có thể khiến tất cả những thành tựu trước đây của Trung Quốc trong việc phòng chống dịch bệnh trở nên vô ích.
Việc kỷ luật nhanh chóng và kịp thời các quan chức quản lý yếu kém công tác phòng dịch cũng làm cho nhân dân cảm thấy an toàn và mối quan tâm của họ được coi trọng.
Theo báo Tin tức