Báo chí nhà nước Trung Quốc đang giận dữ “chĩa mũi tấn công” về phía Mỹ sau khi nước này thông qua dự luật ngân sách quốc phòng mới.
Phi đội chiến đấu cơ của Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Hôm 21-12 vừa rồi, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật quốc phòng năm 2013, trong đó phê duyệt ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm tài chính 2013 là 633 tỷ USD. Trước đó một ngày, Dự luật quốc phòng năm 2013 cũng đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Như vậy, dự luật này chỉ còn đợi Tổng thống Obama ký ban hành trước khi chính thức có hiệu lực.
Nếu dự luật mới của Mỹ chỉ đề cập đơn thuần đến vấn đề ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2013 thì sẽ chẳng có điều gì đáng nói. Tuy nhiên, hai điều khoản bổ sung của dự luật này lại đề cập đến các vấn đề nhạy cảm hàng đầu của Trung Quốc. Nó chính là nguyên nhân khiến Bắc Kinh nổi giận với Washington. Báo chí nhà nước Trung Quốc đã không ngừng công kích Mỹ về hai điều khoản bổ sung nói trên.
Cụ thể, trong một điều khoản bổ sung của dự luật mới mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua, Mỹ đã tái khẳng định cam kết của Washington đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
Theo dự luật, “Mỹ không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Senkaku nhưng công nhận quần đảo này thuộc quyền quản lý của Nhật Bản”.
Cũng theo dự luật, hành động đơn phương của một bên thứ ba sẽ không ảnh hưởng tới sự công nhận của Mỹ đối với quyền quản lý Senkaku của Nhật Bản.
Ngay sau khi dự luật của Mỹ được công bố, tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc, đã có bài bình luận, trong đó gọi điều khoản bổ sung trong Dự luật Quốc phòng năm 2013 là “một sự vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền của Trung Quốc”.
Trong khi đó, tờ China Daily – cũng là một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, cáo buộc, việc thông qua điều khoản bổ sung trong dự luật quốc phòng của Mỹ “rõ ràng là một bước đi nhằm củng cố quyền kiểm soát vô căn cứ của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp. Văn bản đó đã đi xa thêm hơn một bước khi tuyên bố, hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật áp dụng với cuộc tranh chấp này nếu quần đảo đó bị tấn công. Đây là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc”.
Tờ China Daily cảnh báo: “Sự can thiệp của Mỹ vào cuộc tranh chấp quanh quần đảo Điếu Ngư sẽ gây hại cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Nó cũng sẽ làm tăng sự bạo dạn của phe cánh hữu Nhật Bản”.
Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp nhau một quần đảo chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Quần đảo này nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Tất cả các bên đã nhiều lần tiến hành những chuyến tuần tra hải quân mang tính khiêu khích xung quanh quần đảo ở biển Hoa Đông này.
Cách đây hai tuần, khi một máy bay do thám Trung Quốc bay qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản đã ngay lập tức phái 8 chiến đấu cơ hiện đại đi xua đuổi. Ngày hôm sau, tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã lên tiếng cho biết, chuyến bay ngày hôm đó “đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc do thám bầu trời trên quần đảo” tranh chấp.
“Tình hình có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng. Nếu Tokyo tiếp tục chặn các máy bay tuần tra của Trung Quốc thì một cuộc đối đầu như thế sớm hay muộn chắc chắn cũng sẽ xảy ra”, tờ Thời báo Hoàn cầu đã cảnh báo như vậy”.
Vấn đề Đài LoanĐiều khoản bổ sung thứ hai trong Dự luật quốc phòng năm 2013 của Mỹ khiến Trung Quốc tức giận là điều khoản đề cập đến vấn đề Đài Loan. Điều khoản này thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội đối với việc bán hàng chục máy bay chiến đấu F-16 C/D mới cho Vùng lãnh thổ Đài Loan. Điều khoản liên quan đến vấn đề Đài Loan được nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện cho bang Texas – bà Kay Granger trình lên. Theo đó, bà này gọi Vùng lãnh thổ Đài Loan là “đồng minh chiến lược quan trọng của chúng ta ở khu vực Thái Bình Dương”.
“Sự ủng hộ của chúng ta dành cho Đài Loan phù hợp với các ưu tiên về an ninh quốc gia của chúng ta trong khu vực. Nó cũng chứng tỏ rằng chúng ta luôn sát cánh bên bạn bè và đồng minh bất chấp mối đe dọa từ đâu đến”, bà Granger cho biết trong một tuyên bố được đăng tải trên website chính thức của bà.
Trung Quốc luôn phản đối mọi hành động cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan. Vì vậy báo chí nước này đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích điều khoản bổ sung thứ hai trong Dự luật quốc phòng năm 2013 của Mỹ.
“Việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan – một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, là vấn đề nhạy cảm nhất ngáng trở quan hệ song phương Mỹ-Trung”, tờ China Daily tuyên bố. Tờ báo của Trung Quốc cũng cảnh báo: “Bất kỳ hành động xử lý sai lầm nào liên quan đến vấn đề Đài Loan cũng có thể làm chệch hướng mối quan hệ song phương được xem là quan trọng nhất thế giới này”.
Việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan từ lâu đã là một trong những cái dằm gây khó chịu nhất trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Lần nào, Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì lần đó họ đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc từng tạm ngưng các quan hệ quân sự với Mỹ và đe dọa dùng đòn trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Năm ngoái, để tránh làm Trung Quốc nổi giận, chính quyền của Tổng thống Obama đã từ chối bán 66 chiếc chiến đấu cơ F-16 cho Vùng lãnh thổ Đài Loan nhưng lại thông qua một hợp đồng trị giá 5,3 tỷ USD để nâng cấm phi đội máy bay chiến đấu 20 năm tuổi đời của Vùng lãnh thổ này.
Thượng nghị sĩ John Cornyn đại diện cho bang Texas khi đó đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Obama, nói rằng, “việc chính quyền Obama thỏa hiệp trước Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dầu một ngày buồn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và nó là một cái tát vào mặt của người bạn lâu năm cũng là người đồng minh thân thiết của chúng ta”.
Về phần mình, Trung Quốc coi việc Mỹ nâng cấp phi đội chiến đấu cơ cho Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đã là một “sự xúc phạm” đối với họ. Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ và Tùy viên quân sự Mỹ đến để bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ”.
Người ta tin rằng, nếu Tổng thống Obama tuần này ký Dự luật Quốc phòng năm 2013 thì chắc chắn, Trung Quốc cũng sẽ có một loạt phản ứng tương tự như thể hiện sự tức giận công khai trên các phương tiện truyền thông và triệu tập Đại sứ Mỹ đến để phản đối.
Kiệt Linh(VnM)