Trung Quốc như đang thổi bùng căng thẳng tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề trong nước.
Một tàu cá Trung Quốc bị tàu tuần tra biển Nhật bắt giữ - Ảnh: Kyodo |
Trong thời gian qua, nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng chậm lại. GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8,2% năm 2012, thua xa mức 10,4% năm 2010, như cảnh báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong khi đó hàng loạt chấn động chính trị lại liên tiếp xảy ra như vụ Vương Lập Quân, vụ Bạc Hy Lai, vụ thư ngỏ của 16 đảng viên lão thành yêu cầu sa thải Ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, vụ luật sư khiếm thị Trần Quang Thành sang Mỹ...
Trong tình thế này, Bắc Kinh như đang cho thấy một chính sách “chuyển lửa” ra bên ngoài để lôi kéo sự chú ý của dư luận hướng vào những vấn đề bên ngoài. Một mặt, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn khi khẳng định chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông. Trong những ngày qua, báo chí Trung Quốc liên tục kêu gọi Chính phủ mở cuộc chiến tranh để “trừng trị” Philippines. Mặt khác, phụ họa cho mặt trận này là một làn sóng bài ngoại ở trong nước đang mỗi lúc mỗi lan rộng.
Gây hấn trên biển
Ngày 23-5, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ báo Sankei cho biết, các lực lượng phòng vệ “hải lục không quân” của Nhật đã phối hợp thực hiện kế hoạch tác chiến liên hoàn chiếm đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku). Hãng tin này cáo buộc Tokyo “dùng thủ đoạn phi pháp” để chiếm phần lãnh thổ của Trung Quốc và “đổ vấy” cho Trung Quốc muốn dùng vũ lực để cướp quần đảo này.
Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, chính Bắc Kinh đang cố ý gây căng thẳng trên biển. Theo Kyodo, chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, các tàu ngư chính của Trung Quốc đã xuất hiện ở vùng biển gần đảo Senkaku đến bốn lần. Lần gần nhất là ngày 2-5 khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật phát hiện tàu ngư chính 203 và 204 di chuyển vào vùng biển tiếp giáp đảo tranh chấp Senkaku.
Phía đông gây với Nhật, phía nam Trung Quốc “hầm hè” với Philippines. Báo Philippine Star ngày 23-5 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, Bắc Kinh đã điều thêm tàu đến bãi cạn Scarborough. Tính đến nay đã có gần 100 tàu của Trung Quốc đang vây kín bãi cạn này. Một số tàu vẫn ngang nhiên đánh bắt cá dù chính Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm ở khu vực này.
“Thật đáng tiếc những hành động này lại xảy ra cùng lúc với việc Trung Quốc tuyên bố công khai là muốn giảm căng thẳng” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines chỉ trích và yêu cầu Trung Quốc lập tức rút tàu thuyền khỏi bãi cạn Scarborough.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc vẫn tiếp tục giọng điệu hiếu chiến. Thời Báo Hoàn Cầu mới đây lại kêu gọi tấn công Philippines. Trước đó, rất nhiều tờ báo và hãng tin Trung Quốc đã đe dọa “pháo sẽ nổ” trên biển Đông.
Làn sóng bài ngoại
Phụ họa cho sự gây hấn trên biển là một làn sóng bài ngoại trong nước. Làn sóng này xuất hiện sau khi mạng Youku đăng đoạn clip cho thấy một người đàn ông Anh quấy rối một phụ nữ Trung Quốc trên đường phố Bắc Kinh.
Tân Hoa xã cho biết, từ ngày 15-5, Sở An ninh Bắc Kinh đã triển khai chiến dịch 100 ngày trừng trị những người nước ngoài phạm pháp ở thủ đô. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố chiến dịch này kéo dài đến tháng 8-2012 sẽ quét sạch những người nước ngoài nhập cư, sống và làm việc bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Trên các trang mạng lớn của Trung Quốc như Nhân Dân Nhật Báo, Tân Hoa xã... đã xuất hiện những ngôn từ bài ngoại mạnh mẽ. Trang tìm kiếm Baidu và mạng Weibo mở chiến dịch kêu gọi người sử dụng Internet tố cáo những hành vi xấu của người nước ngoài ở Trung Quốc.
Giới chuyên gia nước ngoài cho rằng, Bắc Kinh đang phải chật vật giải quyết những căng thẳng xã hội và đối phó với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại. “Nếu năm nay mọi thứ thuận buồm xuôi gió thì tình hình ở Trung Quốc không nhạy cảm đến thế - AP dẫn lời giáo sư Đại học Thanh Hoa Patrick Chovanec bình luận - Bắc Kinh đang chật vật với những căng thẳng xã hội của mình”.
Chuyên gia Đại học California Jeremiah Jenne cho rằng, Trung Quốc đang muốn thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để lái sự chú ý của dư luận khỏi những vấn đề khó khăn trong nước hiện nay. “Đây là thời điểm nhạy cảm ở Trung Quốc do quá trình chuyển giao chính trị - nhà phân tích James McGregor thuộc Hãng tư vấn APCO Worldwide cho biết - Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài đổ tội cho các thế lực bên ngoài khi bất ổn xảy ra”.
MỸ LOAN(TT)