Trung Quốc “chưa kịp giàu thì đã già”

14/01/2015 14:47

Chính sách một conkéo dài hơn ba thập kỷ của Trung Quốc đã và đang gây khủng hoảng dân số.

 Mối lo ngại càng tăng khi Bắc Kinh công bố số liệu thống kê sau gần một năm chính sách này được nới lỏng.


Một đứa trẻ Trung Quốc được nội ngoại chăm chút - Ảnh: Reuters
Một đứa trẻ Trung Quốc được nội ngoại chăm chút - Ảnh: Reuters

Tân Hoa xã ngày 12-1 dẫn lời ông Mao Quần An - người phát ngôn Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc - cho biết sau gần một năm thực hiện nới lỏng chính sách một con, có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng nước này đăng ký có con thứ hai. Con số đó chỉ đạt một nửa so với những gì các nhà làm chính sách mong đợi.

Trong khi ủy ban này cho rằng kết quả trên “nằm đúng lộ trình” và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015, các nhà dân số học lại chứng minh có sự khác biệt giữa dự kiến và thực tế, đó là ngày càng ít người Trung Quốc muốn có con thứ hai.

Dân đô thị sợ có con

Cái nhìn của người Trung Quốc đối với chuyện sinh đẻ đã thay đổi
Giáo sư Đại học Bắc Kinh TRỊNH DÃ PHU

Chính sách một con được Bắc Kinh áp dụng từ năm 1979 để kiểm soát áp lực dân số khổng lồ, nhưng theo thời gian cấu trúc dân số bị phá vỡ gây ra nhiều hậu quả về mặt xã hội và kinh tế. Năm 2012, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, dân số trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc giảm, bên cạnh đó là tình trạng mất cân bằng giới diễn ra ngày càng tệ.

Tháng 11-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua luật sửa đổi cho phép những gia đình có bố hoặc mẹ là con một được sinh con thứ hai, ngoài ra gia đình nông thôn có con đầu lòng là gái hoặc bị khuyết tật cũng được phép sinh thêm.

Luật được các địa phương Trung Quốc đưa vào áp dụng từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chuyện sinh đẻ của con người không chỉ phụ thuộc vào luật cho phép hay không.

Một thăm dò xã hội đăng trên nhật báo China Youth Daily cuối năm 2014 đưa ra những thống kê có lẽ không nằm trong tính toán của các nhà lập pháp Bắc Kinh. Trong số những cặp đôi đủ điều kiện sinh con thứ hai theo luật mới, trung bình chỉ gần 25% sẵn sàng đón thêm một thành viên mới trong gia đình.

Tại các thành phố lớn, tỉ lệ này đặc biệt thấp. Ví như thủ đô Bắc Kinh chỉ có khoảng 30.000 hộ gia đình, chiếm 6,7% số gia đình đủ điều kiện nộp đơn xin có con thứ hai, trong khi chính quyền thành phố cho biết họ trông đợi thêm 54.200 đứa trẻ chào đời mỗi năm sau khi chính sách thay đổi.

Tại thành phố Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây, chỉ 20% gia đình mong sinh con thứ hai. Nhưng ở An Huy, một tỉnh nghèo nằm giữa đại lục, chỉ 12% gia đình tính đến chuyện sinh thêm con. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các đô thị như Thượng Hải, Thâm Quyến, Quế Lâm...

Báo Financial Times dẫn ý kiến ông Hạ Á Phu - chuyên gia về chính sách một con: “Thật sự số trẻ chào đời sẽ càng thấp hơn nữa, tôi ước chừng 600.000-700.000. Điều này cho thấy quyết định nới lỏng chính sách vẫn không dẫn đến việc gia tăng nhanh dân số và khủng hoảng dân số tại Trung Quốc tiếp tục tệ hơn”.

Còn cây bút Sui Lee Wee của Reuters nói các học giả từ lâu đã bày tỏ quan ngại Trung Quốc có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do tỉ lệ sinh ngày càng giảm, Trung Quốc cũng đứng trước viễn cảnh trở thành nước đầu tiên trên thế giới “chưa kịp giàu thì đã già”.

“Chúng tôi không đủ khả năng”

Người nghèo phải phá thai

Trong khi đó, các gia đình nông thôn Trung Quốc luôn khao khát có nhiều con để giúp đỡ việc đồng áng và ít nhất một đứa con trai để nối dõi.

Nhưng khi vi phạm luật, các gia đình phải chịu mức nộp phạt thông thường là quá khả năng tài chính.

Trong một số trường hợp, người phụ nữ bị bắt phải phá thai hoặc triệt sản.

Theo số liệu Bộ Y tế Trung Quốc công bố tháng 3-2013, từ năm 1971 đến nay bộ phận y tế nước này đã thực hiện 336 triệu ca phá thai và 222 triệu ca triệt sản.

Theo China Youth Daily, những nguyên nhân hàng đầu khiến các cặp vợ chồng Trung Quốc không muốn sinh thêm con là “gánh nặng kinh tế”, “không đủ thời gian” và “chỉ muốn một con”.

Điều đó thể hiện rõ nét nhất ở các đô thị lớn. Tân Hoa xã dẫn lời một người dùng trang mạng Weibo viết: “Chúng tôi muốn có thêm con, nhưng chúng tôi không đủ khả năng (tài chính)”.

Học giả Tưởng Vĩnh Bình thuộc Viện Nghiên cứu phụ nữ Trung Quốc nói áp lực xã hội cũng góp phần khiến dân thành thị không muốn sinh đẻ. Việc chăm sóc một đứa trẻ và lo nội trợ sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của người phụ nữ, điều này làm họ “không ham” đẻ nhiều con.

Nhưng trước khi được nới lỏng cuối năm 2013, chính sách một con của Trung Quốc từng bị chỉ trích là “con hổ giấy” đối với người giàu và là “con hổ thật” đối với người nghèo.

Người giàu Trung Quốc dễ dàng bỏ ra khoản nộp phạt, thông thường từ 3-10 lần thu nhập hộ gia đình trong một năm tùy theo địa phương, để sinh con thứ hai. Họ cũng có thể đi du lịch đến Hong Kong, Singapore hay thậm chí là Mỹ để sinh con.

Chẳng hạn hồi tháng 2-2014, báo chí đưa tin đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu đã chấp nhận nộp phạt 7,48 triệu nhân dân tệ (hơn 1,2 triệu USD) do có ba con. Mức phạt được Ủy ban Dân số - kế hoạch hóa gia đình thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô quyết định dựa trên thu nhập của vợ chồng Trương Nghệ Mưu.

Vị đạo diễn lừng danh trần tình khá... nhẹ nhàng: “Trong phút lâm chung, cha tôi đã trăng trối muốn tôi có con trai để tiếp nối hương hỏa gia đình. Mẹ tôi cũng mong vợ chồng tôi có nhiều con để các cháu bầu bạn với nhau”.

Reuters dẫn ý kiến các nhà quan sát cho rằng những thay đổi trong chính sách dân số của Trung Quốc hiện nay còn ít ỏi và quá chậm trễ để khắc phục những hậu quả mà chính sách một con đã gây ra trong hơn ba thập kỷ qua đối với xã hội và nền kinh tế.

MINH TRUNG (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc “chưa kịp giàu thì đã già”