Trung Quốc tuyên bố tổ chức Asiad 19 theo phương châm tiết kiệm nhất có thể, nhưng chi phí cho đại hội này chỉ xếp sau Olympic Bắc Kinh 2008.
Theo China News Service, các nhà tổ chức chi khoảng 1,4 tỷ USD cho địa điểm thi đấu và đào tạo. Tổng chi phí cho sự kiện không được tiết lộ nhưng vào năm 2021, Cục thống kê tỉnh Chiết Giang cho biết đã đầu tư 30,8 tỷ USD, tương đương 750,1 nghìn tỷ đồng, vào cơ sở hạ tầng các thành phố, bao gồm địa điểm tổ chức sự kiện từ năm 2016 đến 2020.
Sự kiện thể thao tốn kém nhất Trung Quốc từng đăng cai là Olympic Bắc Kinh 2008, tiêu tốn 42,13 tỷ USD từ năm 2001 đến 2007 do xây mới nhiều cơ sở hạ tầng. Riêng SVĐ quốc gia Bắc Kinh hay còn gọi là sân "Tổ chim", Cung thể thao dưới nước và Cung thi đấu trong nhà đã chiếm 1,26% tổng chi phí.
Ở Asiad Quảng Châu 2010, Trung Quốc cũng chi 20 tỷ USD. Trong khi đó, Asiad Incheon 2014 ở Hàn Quốc và Jakarta – Palembang 2018 ở Indonesia lần lượt mất 2 tỷ và 1,6 tỷ USD. Khác biệt nằm ở chỗ các nước tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, còn Trung Quốc thường xây mới như một cách phát triển tổng thể hạ tầng ở thành phố đăng cai.
Theo ban tổ chức Asiad 19, 12.000 VĐV từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tranh tài ở 40 môn thể thao với 483 HC vàng ở 56 địa điểm, trong đó chỉ có 12 là xây mới. Tất cả đều được đưa vào sử dụng thương mại sau sự kiện. Các căn hộ trong Làng VĐV đều đã có người mua, sẽ tiến hành bàn giao sau Asian Games và Asian Para Games.
Toàn bộ TP Hàng Châu như khoác lên một tấm áo mới với sự cải tạo đồng bộ cơ sở hạ tầng, cùng những trang trí tràn ngập không khí Á vận hội. Người dân hài lòng với giao thông phát triển và hy vọng thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
"Có một câu nói trên mạng: "Ngay cả khi gặp một con chó, chính quyền Hàng Châu cũng mong có thể bắt nó và khoác lên nó một bộ lông mới", Reuters miêu tả.
Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn tạo nên một kỳ "Asiad xanh". "Tất cả địa điểm tổ chức đều dùng năng lượng sạch, chủ yếu là điện gió và mặt trời", Xu Bin - Phó Ban tổ chức, phụ trách quảng bá Đại hội - cho biết. "Chúng tôi cố gắng giảm đáng kể lượng khí thải carbon".
Dù vậy, Asiad 19 cũng bị ý kiến trái nhiều, khi những người phản đối cho rằng Trung Quốc nên dùng tiền để hỗ trợ người thất nghiệp, các công ty đóng cửa trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng theo nhà bình luận Mark Dreyer – tác giả cuốn sách về tham vọng thể thao của Trung Quốc, cho biết: "Asiad 19 bị cản trở vì nhiều vấn đề trong khâu chuẩn bị, giống Olympic 2008, nhưng khi các sự kiện thể thao diễn ra, mọi thứ thay đổi rất nhiều".
Trung Quốc hy vọng thu về 56,7 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội trong giai đoạn từ 2016 đến khi kết thúc Asiad 19. Tiêu dùng và du lịch được kỳ vọng sẽ phục hồi đáng kể ở Hàng Châu cùng các khu vực lân cận. Đồng thời, Asiad cũng đánh dấu việc mở cửa trở lại của Trung Quốc với thế giới sau thời gian dài bị ngăn cách vì những quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Theo VnExpress