53 năm trôi qua, những nữ dân quân ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) thuở mười tám, đôi mươi dũng cảm, nhiệt huyết ngày nào nay đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy". Nhưng ký ức về thời lửa đạn, về chiến công 2 lần bắn cháy máy bay Mỹ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí họ.
Bà Đặng Thị Minh vẫn nhớ như in 2 lần bắn cháy máy bay Mỹ
Mái tóc đã bạc trắng, bước chân đã chậm nhưng khi kể về những năm tháng đánh giặc Mỹ trên quê hương, đôi mắt bà Đặng Thị Minh ở khu Trung, thị trấn Kẻ Sặt (71 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng) vẫn lấp lánh niềm vui. Bà Minh hào hứng kể: "Hồi đó, chúng tôi còn trẻ khỏe, ai cũng hăng hái, mong lập nhiều chiến công để góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước".
Tháng 6.1967, Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt (nay là thị trấn Kẻ Sặt) được thành lập gồm 14 cô gái. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, người lớn tuổi nhất chỉ ngoài 20. Năm đó bà Minh 17 tuổi, được giao làm Trung đội trưởng. Trung đội được trang bị 4 khẩu súng 12 ly 7. Trải qua một thời gian huấn luyện ngắn, đơn vị nhận lệnh bảo vệ cống Bá Thủy thuộc xã Long Xuyên.
Bà Minh kể khi ấy máy bay địch bay thành từng tốp, mỗi tốp từ 5-10 chiếc, thường bay bổ nhào rồi thả bom xối xả. 11 giờ 30 ngày 23.2.1968, khi máy bay bổ nhào phóng rốc-két xuống mục tiêu, đơn vị đã dũng cảm bắn trả. Chiếc máy bay F4H đã bốc cháy trên bầu trời Bá Thủy. Sau chiến thắng này, đơn vị được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng bằng khen.
Đầu tháng 3.1968, trung đội được điều động di chuyển tới trận địa xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) để đón lõng đánh địch vào ban đêm. Ở đó hơn 1 ngày đêm, đơn vị lại có lệnh chuyển đến bến đò Tranh thuộc địa phận huyện Phụ Dực (Thái Bình). Tại đây, các cô gái khẩn trương đào đắp công sự, ngụy trang trận địa. Ban ngày luyện tập, ban đêm trực chiến.
Bà Minh nhớ lại: "Ngày đó khó khăn lắm, di chuyển vài chục cây số toàn phải đi bộ, vận chuyển bằng xe bò. Chúng tôi tháo rời súng ra, người vác thân, người vác chân, trên xe bò chở vũ khí, lương thực, phản, chiếu, xoong, nồi. Chân súng 12 ly 7 nặng hơn 50 kg mà chúng tôi vác trên vai đi phăng phăng".
Đến bây giờ khoảnh khắc bắn cháy chiếc máy bay Mỹ trong đêm 31.3.1968 vẫn còn in đậm trong tâm trí bà Minh. Bà xúc động kể tối hôm đó đúng ca trực của bà. Khu vực này thường có tàu bè, sà lan đi lại nên nhiều tiếng động cơ. Trời tối, cách duy nhất để phán đoán máy bay, hướng bay, vị trí bay là bằng tai nghe. Bà Minh từng được giao nhiệm vụ lên chòi canh máy bay để báo động cho nhân dân vào hầm trú ẩn nên bà phân biệt tiếng máy bay rất nhạy.
Lúc đó khoảng 23 giờ đêm, bà phát hiện ra có tiếng máy bay địch. "Tôi đứng ở giữa trận địa, xung quanh là 4 ụ súng, các đồng đội đều sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. Phán đoán theo tiếng động máy bay, chờ máy bay vào cự ly thuận lợi, tôi hô vang: “Tất cả chuẩn bị! Bắn!”. Bốn khẩu 12 ly 7 cùng một hướng đồng loạt nhả đạn về mục tiêu. Nhìn thấy máy bay bốc lửa, lao ra phía biển, chúng tôi nhảy cẫng lên, ôm lấy nhau reo hò vui sướng", bà Minh kể.
Bà Cao Thị Nam ở khu Thượng, thị trấn Kẻ Sặt, nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1. Bà Nam đã tình nguyện viết đơn bằng máu để tham gia đội dân quân của xã. Với bà Nam, thời khắc chiếc máy bay của địch bốc cháy trên bầu trời rồi lao ra phía biển là giây phút mà bà không bao giờ quên. "Chúng tôi sung sướng, ôm chầm lấy nhau, hô to: Máy bay cháy rồi! Máy bay cháy rồi! Ngay sau đó, trung đội cử người chèo thuyền qua sông, báo tin về Huyện đội Ninh Giang và từ đây báo tin về Tỉnh đội. Đến sáng hôm sau, Ban tác chiến của Tỉnh đội xuống tận nơi kiểm tra trận địa, sau đó Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tiếp tục kiểm tra, thông báo đơn vị đã bắn rơi máy bay. Nhân dân huyện Ninh Giang biết tin trung đội bắn cháy máy bay Mỹ đã chở gạo, thịt, bánh kẹo sang chúc mừng", bà Nam nhớ lại.
Với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Các cấp tặng nhiều huy hiệu, bằng khen cho từng cá nhân.
Sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, trung đội được lệnh rút về địa phương. Ngày nghe đài báo tin miền Nam giải phóng, làng trên xóm dưới ai cũng vui sướng, phấn khởi. Từ đây, các chị em trong đơn vị trở về đời sống thường nhật, chăm lo vun vén gia đình. Nhiều người tiếp tục giữ những vị trí nòng cốt ở xã. Vào dịp 31.3 hằng năm, các thành viên của Trung đội dân quân cơ động ngày ấy lại họp mặt để ôn lại kỷ niệm một thời "hoa lửa" không thể nào quên.
HÀ NGA