“Trùm” hành, tỏi Nam Sách

09/02/2017 09:20

Từ hai bàn tay trắng, với những đồng vốn đi vay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mùi ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đã vươn lên, trở thành “trùm” hành, tỏi đất Nam Sách.



Mỗi ngày cơ sở thu mua, chế biến hành, tỏi của gia đình bà Mùi tiêu thụ từ 20-25 tấn hành, tỏi


Khởi nghiệp từ chiếc xe đạp thồ

Phải đến gần chục năm vợ chồng bà Mùi trải qua nhiều nghề vất vả như nấu rượu, làm đậu, tráng mỳ nhưng vẫn bị cái nghèo đeo bám. Không cam chịu khó khăn, năm 1997, vợ chồng bà Mùi chuyển hướng sang kinh doanh hành, tỏi. Ban đầu, với 40.000 đồng vốn vay, vợ chồng bà mua một chiếc xe đạp thồ. Căn nhà cấp 4 rộng chưa đầy 40m2 của gia đình dùng làm nơi để dự trữ hành, tỏi. Ngày ngày vợ chồng bà đạp xe đi khắp các xã trong huyện thu mua hành, tỏi rồi chở lên thành phố bán lấy lãi. Bà Mùi kể: “Chuyến đi buôn đầu tiên của vợ chồng tôi chỉ đủ vốn. Vài lần sau, mỗi chuyến chỉ được lãi một bát phở. Sau này, khi đã quen với việc buôn bán, có ngày tôi lãi một, hai chục nghìn. Thời đó mỗi ngày đi buôn lãi được cả thúng thóc như vậy thì vui lắm”.

Thời gian đầu đi buôn, bao khó khăn, vất vả hai vợ chồng bà Mùi đều cùng nhau vượt qua. Có lần đi mua hàng về thì gặp trời mưa bão, đường đi lầy lội, xe thồ lại bị trượt cá, vợ chồng bà Mùi phải đội mưa, đẩy xe hàng nặng cả tạ đi bộ hàng cây số mới về đến nhà. Nhiều lần đi thu mua hành, tỏi ở xa, trời tối không về kịp, bà Mùi phải để hai con nhỏ, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi ở nhà trông nhau. “Nhiều hôm đi mua hàng hai ngày tôi mới về đến nhà. Trời tối, nhìn đứa con lớn ngồi dỗ dành em bên nồi cơm nguội sạch trơn mà vợ chồng tôi ôm con khóc mãi. Lúc đấy, tôi chỉ muốn được ở nhà với các con”, bà Mùi ngậm ngùi nhớ lại.

Sau vài năm buôn bán nhỏ lẻ, kinh tế gia đình bà Mùi đã khá hơn trước. Vợ chồng bà đầu tư mua xe máy Minsk, xe công nông rồi đến xe tải để đi buôn. Địa bàn thu mua được mở rộng sang các huyện, các tỉnh khác. Năm 2004, bà Mùi đầu tư mở xưởng thu mua, sơ chế hành, tỏi với diện tích hơn 500 m2 rồi đầu tư mua máy rửa, máy sấy, máy sàng và máy thái hành.

Trở thành “trùm” hành, tỏi

Nhiều năm nay, cái tên “Mùi hành, tỏi” đã nổi tiếng khắp huyện Nam Sách. Mỗi ngày, cơ sở của bà tiêu thụ trung bình từ 20-25 tấn hành, tỏi. Việc tiêu thụ cả chục nghìn tấn hành, tỏi mỗi năm đem lại lợi nhuận lớn cho gia đình bà Mùi. Cơ sở thu mua, chế biến hành, tỏi của bà Mùi còn tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và khoảng 50 lao động thời vụ với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

7 năm trở lại đây, thương lái các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… tự tìm đến cơ sở của gia đình bà để đặt mua hàng. Năm 2012 đánh dấu bước phát triển mới trong công việc kinh doanh của gia đình bà Mùi. Không chỉ tiêu thụ trong nước, hành, tỏi sơ chế của gia đình bắt đầu được xuất khẩu ra nước ngoài. Đầu năm 2013, doanh nghiệp của Indonesia đã tìm đến, đặt mua gần 30 container hành, tỏi. Tuy nhiên, thời điểm đó do không có đủ lượng hàng yêu cầu nên bà Mùi chỉ bán được 7 container (khoảng 200 tấn). Năm 2015, gia đình bà xuất khẩu gần 100 tấn hành, tỏi đi Mỹ. Cuối năm 2016, bà xuất khẩu 28 tấn hành sang Đài Loan.

Sau gần 20 năm, từ hai bàn tay trắng và những đồng vốn đi vay, bằng quyết tâm thoát nghèo và nghị lực vượt khó làm giàu, vợ chồng bà Mùi đã trở thành tỷ phú với thương hiệu “trùm hành, tỏi” Nam Sách. Nói về việc kinh doanh của bà Mùi, ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết đây là gia đình duy nhất ở xã chuyên kinh doanh hành, tỏi. Cơ sở của vợ chồng bà Mùi đã góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác. Vợ chồng bà Mùi là tấm gương sáng trong công cuộc vượt khó làm giàu.

Không dừng lại ở ước mơ làm giàu, vợ chồng bà Mùi còn mong muốn sẽ giới thiệu, quảng bá sản phẩm của quê hương tới nhiều nước trên thế giới. Bà Mùi tiết lộ vừa qua doanh nghiệp của Mỹ đã sang đặt vấn đề mở cơ sở làm đầu mối thu mua hành, tỏi để đưa sang thị trường Mỹ nhưng với yêu cầu khắt khe về chất lượng, số lượng hàng mỗi năm và đặc biệt là phải  mở rộng cơ sở sản xuất. Bà Mùi cho biết yêu cầu về chất lượng, số lượng hàng để xuất khẩu thì cơ sở của bà có thể đáp ứng được. Cái khó hiện nay là diện tích nhà xưởng của gia đình quá nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của họ. Bà Mùi mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê hoặc mua lại diện tích đất phía sau nhà để xây dựng các hạng mục còn thiếu theo yêu cầu của doanh nghiệp Mỹ.

LAN NGUYỄN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Trùm” hành, tỏi Nam Sách