Thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi, bướm cuốn lá nhỏ (CLN) lứa 5 đã bắt đầu phát sinh để gây hại.
Hiện nay, đa số diện tích lúa mùa sớm của bà con nông dân ở các địa phương đang bước vào giai đoạn đứng cái, mà thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi, bướm cuốn lá nhỏ (CLN) lứa 5 đã bắt đầu phát sinh để gây hại.
Bướm CLN phát sinh theo lứa, vòng đời mỗi lứa từ 25 - 28 ngày và có sự tích lũy về mật độ. Bướm CLN lứa 6 sẽ vũ hóa rộ vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Bướm đẻ trứng thành ổ ở mặt dưới của lá, mỗi ổ có trên dưới chục quả, bé, rất khó phát hiện và phun trừ. Sâu non nở ra phá hại bằng cách nhả tơ khâu cuốn 2 mép lá thành tổ và ăn phần diệp lục, mỗi sâu non cuốn một lá, khi ăn hết lại di chuyển cuốn sang lá khác.
Thời điểm phun trừ có kết quả khi sâu non vừa nở và đang cuốn tổ. Từ đây, nếu mật độ sâu non cao và không đầu tư công sức phun trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quang hợp, sinh trưởng, phát triển cây lúa, nhất là ở lứa 6 khi cây lúa đang giai đoạn ôm đòng - thấp tho trỗ bông.
Để việc phun trừ có hiệu quả cao, ngoài sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" bà con cần phun trừ khi đến ngưỡng. Ở mỗi thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa đều có quy định về ngưỡng phun trừ, nhưng việc phun trừ của bà con nông dân thường vẫn tuỳ tiện, gây tốn kém và ô nhiễm môi trường.
*Biện pháp khắc phục:
+ Thường xuyên kiểm tra, nhận biết được bướm trưởng thành, tổ sâu CLN để từ đó xác định mật độ sâu non/m2.
+ Điều tiết và duy trì mực nước thích hợp từ 2 - 5cm; tập trung bón đón đòng sớm, bón đủ theo quy trình để lúa trường cây, trường đòng và khỏe mạnh.
+ Ngưỡng phun trừ ở thời kỳ đứng cái - ôm đòng và thấp tho trỗ bông là từ 20 con trở lên/m2 (khoảng 2 khóm lúa đã có 1 tổ sâu đang cuốn).
+ Nên chọn lựa một trong các loại thuốc có tính an toàn, lưu dẫn và thấm sâu cao của các công ty có uy tín trên thị trường, pha phun theo đúng hướng dẫn trên bao bì, phun vào chiều mát không mưa.
KS. NGUYỄN HỮU VÂN