Vườn vú sữa của gia đình ông Thành luôn được thương lái khắp nơi tìm về mua nhiều nhất bởi quả có vỏ mỏng, vị ngọt và hương thơm đặc trưng.
Vú sữa của gia đình ông Thành được thương lái về thu mua tại vườn
Năm nào cũng vậy, cứ từ độ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, gia đình ông Phùng Văn Thành ở thôn An Lăng, xã An Phụ (Kinh Môn) lại bước vào vụ thu hoạch vú sữa. Nhờ được thị trường ưa chuộng nên những năm gần đây, cây vú sữa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông.
Không phải là người trồng nhiều vú sữa nhất ở xã, thế nhưng vườn vú sữa của gia đình ông Thành luôn được thương lái khắp nơi tìm về mua nhiều nhất bởi quả có vỏ mỏng, vị ngọt và hương thơm đặc trưng. Với hơn 3 sào vườn, ông Thành trồng 40cây vú sữa. Cây lâu nhất khoảng 30 năm tuổi cho sản lượng 3,5 - 4 tạ quả/vụ. Mỗi năm, vườn vú sữa cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 35.000 - 40.000đồng/kg. Không chỉ bán quả, ông Thành còn chiết cành để bán giống với giá 350.000đồng/cành. Mỗi năm, gia đình ông Thành thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ cây vú sữa.
Ban đầu ông Thành chỉ trồng cây lấy quả cho con cháu trong nhà ăn. Vú sữa chín nhiều, ăn không hết, ông đem bán và thấy được giá. Người dân cũng dần biết đến loại quả này, tìm mua. Cứ như thế, ông nhân giống và trồng hết vú sữa trong vườn. Vú sữa sau khi trồng khoảng 3 năm sẽ cho thu hoạch, nhưng rộ nhất là từ năm thứ 5 trở đi. Mỗi năm vú sữa chỉ cho thu hoạch 1 vụ, liên tục từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Trồng vú sữa không khó, nhưng để cây sai quả, quả ngon thì ngoài đặc điểm về chất đất, tuân thủ kỹ thuật, người trồng cũng phải "biết nghề".
Kinh nghiệm của ông Thành là sau vụ thu hoạch, phải cắt tỉa bớt nhánh và bón phân cân đối, giúp cây phát tán đều, nhận đủ ánh sáng để mùa sau sai quả, quả to và chất lượng hơn. Khi hoa kết quả, nếu sai, phải tỉa loại bớt những quả nhỏ. Giống vú sữa có thể trồng bằng cách ươm hạt hoặc chiết cành. Tuy nhiên, với những cây trồng từ ươm hạt hay bị thay đổi gien (hạt ươm cây là vú sữa tím nhưng khi cây lớn đậu quả lại là vú sữa trắng) nên ông Thành nhân giống chủ yếu bằng phương pháp chiết cành.
Thời gian qua, trên thị trường có nhiều loại quả ngâm, tẩm chất bảo quản, chất làm chín không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến người tiêu dùng hoang mang. Vú sữa được xem là quả sạch, bởi được trồng và chăm sóc tự nhiên, không dùng thuốc bảo vệ thực vật lại ít sâu bệnh. Quả vú sữa muốn ăn được thì nhất định phải để chín tự nhiên, nếu còn nhựa sẽ rất chát, ruột sượng. Do đó, vú sữa của gia đình ông Thành không lo đầu ra. Nhiều thời điểm, gia đình ông phải huy động đến 3 người hái quả vẫn không đủ giao cho khách.
THU XUÂN