Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công, cần quan tâm một số yếu tố sau:
Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu hoá về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người. Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công, cần quan tâm một số yếu tố sau:
Vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực sản xuất thông thường, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện. Đối với khu vực có nguy cơ ô nhiễm bởi gió thì phải trồng cây trong vùng đệm để ngăn ô nhiễm không khí. Nếu có nguy cơ ô nhiễm từ nước thì bên ngoài vùng đệm tạo một bờ ranh hoặc rãnh thoát nước triệt để nhằm tránh nước xâm lấn, ô nhiễm vào khu vực sản xuất hữu cơ.
Giống
Giống để sản xuất hữu cơ tốt nhất là giống bản địa, nếu không có giống bản địa thì sử dụng giống thuộc danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh, có nguồn gốc rõ ràng, có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương, chống chịu sinh vật gây hại và bảo đảm duy trì chất lượng giống cây trồng trong quá trình sản xuất. Hạt giống và vật liệu nhân giống vô tính (ví dụ: cành dùng để giâm hoặc chiết, mắt ghép, mô nuôi cấy...) phải bảo đảm các nguyên tắc như: không sử dụng giống biến đổi gen; ưu tiên sử dụng giống cây trồng được sản xuất hữu cơ (giống hữu cơ)…
Đất
Trước khi tiến hành trồng trọt hữu cơ cần lưu ý không đốt các thảm thực vật, tàn dư cây trồng trong quá trình làm đất trừ trường hợp tàn dư cây trồng bị sinh vật gây hại phải thu gom, tiêu hủy. Vườn sản xuất hữu cơ cần có biện pháp chống xói mòn, thoái hóa đất, bảo tồn đất thông qua các biện pháp cụ thể như trồng cây họ đậu, cây phân xanh, sử dụng chất dinh dưỡng được sử dụng trong canh tác hữu cơ cho đất…
Phân bón
Tuyệt đối không sử dụng phân bón tổng hợp; phân bón hòa tan bằng phương pháp hóa học, phân bắc, phân súc vật tươi chưa qua xử lý. Khuyến khích sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ được ủ hoai mục bảo đảm theo tiêu chuẩn hữu cơ. Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất hữu cơ theo TCVN 11041-2:2017 nông nghiệp hữu cơ.
Quản lý sâu bệnh hại
Thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện sâu, ổ trứng hoặc bệnh cần tiêu diệt ngay bằng tay.
Thường xuyên vệ sinh, phát quang cỏ dại trong, trước và sau khi thu hoạch nhằm làm cho vườn thông thoáng. Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch xong để diệt mầm bệnh, trứng, vi sinh vật gây hại từ vụ cây trồng trước đó. Làm đất kỹ: Cày xới đất sau thu hoạch để phơi ải đất (nên có đủ thời gian: có thể 1 tuần, 1 tháng hoặc lâu hơn) hoặc lợi dụng thiên địch (chim) diệt nhộng, trứng, mầm bệnh, ổ chuột, bọ, cắt đứt nguồn gây hại cho vụ tới.
Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại qua việc tạo môi trường sống thuận lợi. Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh.
Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc.
KT (tổng hợp)