Bận rộn bác sĩ thể thao

04/06/2022 11:29

Từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là mùa làm việc cật lực của các bác sĩ thể thao thuộc Trạm Y tế Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương.


Từ tháng 5 đến tháng 9 là thời điểm các nhân viên tại Trạm Y tế Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh bận rộn nhất trong năm

Riêng năm nay, trọng trách của họ lại càng thêm nặng khi nhiều đội tuyển thể thao tỉnh còn tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Nhiều việc

Nhiều người nghĩ nhân viên y tế làm việc tại trung tâm trên chắc sẽ nhàn rỗi, khối lượng công việc không thể so với các đồng nghiệp công tác tại các cơ sở y tế khác. Thế nhưng có mặt tại Phòng Y tế của đơn vị này một ngày cuối tháng 5 mới thấy thực tế hoàn toàn ngược lại. Từ 6 giờ 30 sáng, khi nhiều người vẫn chưa đến cơ quan thì cử nhân Lê Đức Hùng, nhân viên Trạm Y tế Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương đã tất bật với công việc tại đơn vị. Vừa hoàn thành siêu âm, xoa bóp, điều trị chống viêm cho một cung thủ nữ bị đứt dây chằng chéo trước gối phải, anh Hùng lại quay sang xử lý cho một cầu thủ bóng đá U13 bị căng cơ vùng đùi. Trong Phòng Y tế rộng chừng 10 m2, một số vận động viên khác gặp vấn đề về chấn thương, sức khoẻ cũng đang chờ đến lượt thăm khám. “Có ngày tôi phải làm việc liên tục từ sáng đến tối để hướng dẫn tập phục hồi, điều trị cho gần 20 bệnh nhân. Mỗi người một tình trạng khác nhau nên việc tập phục hồi, điều trị cũng khác nhau. Việc theo dõi, giám sát họ cũng phải rất tỉ mỉ, sát sao”, anh Hùng chia sẻ.

Câu chuyện giữa tôi và anh Hùng đứt quãng khi huấn luyện viên trưởng đội tuyển pencak silat tỉnh Vũ Thế Hoàng gọi điện thông tin một số vận động viên bị chấn thương cổ gáy, căng cơ. Quay sang tôi, anh Hùng nói: “Anh cứ ngồi đây, tôi xuống dưới chỗ anh Hoàng xem sao. Tháng 8 này, đội tuyển pencak silat trẻ của tỉnh thi đấu giải quốc gia nên những trường hợp gặp chấn thương phải ưu tiên xử lý trước để không ảnh hưởng đến kế hoạch thi đấu”.

Tôi lân la hỏi chuyện chị Trần Thị Bích Ngọc-cung thủ đội tuyển bắn cung tỉnh đang điều trị chấn thương tại đây. Chị Ngọc cho biết mình bị đứt dây chằng chéo trước gối phải, rách sụn chêm trong cách đây khoảng 2 tháng. Tới đây, chị sẽ được phẫu thuật để nối dây chằng nhưng trong thời gian này vẫn phải tập phục hồi để cơ không bị teo, kết hợp với xoa bóp, chống viêm. Ngày nào các nhân viên y tế trung tâm cũng hướng dẫn chị Ngọc tập trị liệu. “Mỗi lần tôi tập trị liệu cũng mất ít nhất 2 tiếng. Nhiều vận động viên khác nữa cũng cần theo dõi, điều trị như tôi nên công việc của các nhân viên y tế ở đây vất vả lắm, không nhàn rỗi như mọi người vẫn nghĩ đâu”, chị Ngọc cho biết.

Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh có khoảng 500 vận động viên nhưng chỉ có 4 nhân viên y tế. Trạm trưởng Trạm Y tế trung tâm Lê Công Trọng cho biết từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là thời điểm các bác sĩ thể thao bận rộn nhất (trừ 2 năm qua dịch Covid-19 bùng phát và lây lan). Đây là thời điểm các đội tuyển thể thao của tỉnh tham dự giải quốc gia, giải khu vực ở nhiều cấp độ. Để chuẩn bị cho các giải đấu, các đội tuyển thường tập “căng” nên nguy cơ xảy ra chấn thương đối với các vận động viên luôn thường trực. Chưa kể trong quá trình thi đấu, nhiều trường hợp còn gặp chấn thương nặng, phải điều trị lâu dài. Chấn thương mà các vận động viên gặp phải không giống nhau, từ căng cơ đến đứt dây chằng, vỡ cơ… “Họ cần theo dõi, trị liệu hằng ngày nên có nhiều thời điểm chúng tôi phải làm thêm cả ngày cuối tuần. Ngoài ra, khi vận động viên gặp các vấn đề bất thường về sức khoẻ thì đêm hôm anh em vẫn phải xử trí”, ông Trọng cho biết thêm.

Thu nhập thấp

Năm nay, công việc của các nhân viên y tế Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh sẽ bận rộn hơn khi các đội tuyển thể thao tỉnh sẽ tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Dự kiến các môn sẽ bắt đầu thi đấu từ tháng 9. Nhưng ngay từ bây giờ, các nhân viên y tế đã phải lên kế hoạch, bố trí nhân lực hợp lý để vừa bảo đảm chăm sóc, điều trị cho các vận động viên tại trung tâm vừa đi theo phục vụ các đội tuyển tranh tài ở đấu trường quốc gia.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế trung tâm là người từng tham gia phục vụ các đội tuyển thể thao tỉnh đi thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XIII cho biết do nhân lực hạn chế nên cùng lúc một nhân viên có thể phải phục vụ 3-4 đội tuyển thi đấu trong cùng một khu vực. “Kỳ đại hội trước tôi phục vụ cùng lúc các đội tuyển bắn cung, điền kinh, quần vợt, đấu kiếm. Công việc nhiều nên trong một ngày phải di chuyển liên tục, vừa giúp vận động viên điều trị chấn thương, phục hồi thể lực, vừa phải tư vấn chế độ ăn nghỉ…”, anh Tuấn chia sẻ.

Mặc dù công việc vất vả nhưng qua tìm hiểu thu nhập của các bác sĩ thể thao ở trung tâm trên khá thấp, bình quân chỉ từ 3,8-4 triệu đồng/tháng. Họ cũng chưa được hưởng chế độ ưu đãi nghề như nhân viên công tác tại các cơ sở y tế khác, bao gồm cả y tế trường học. 

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Bận rộn bác sĩ thể thao