Trọng tài cho công nhân

01/05/2018 05:24

Là những "quân sư" giúp bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các cán bộ công đoàn còn được ví như những trọng tài cho công nhân.


Tư vấn viên Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh phát tờ rơi và tư vấn cho công nhân, lao động ở khu công nghiệp Đại An

Giành lại quyền lợi chính đáng

Một buổi chiều, đang ngồi trực ở văn phòng, chị Tống Thị Thoa nhận được một cuộc gọi từ máy điện thoại cố định, giọng người nói ở đầu dây bên kia có vẻ khẩn thiết:

- Chào chị, cho em hỏi đây có phải là số máy của Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh không?

- Vâng, đúng rồi. Anh gọi đến có việc gì vậy?

- Em là Thiển. Tháng trước em nghỉ việc ở Công ty CP May Thiên Tân (Nam Sách). Em có làm đơn nghỉ việc và được công ty chấp thuận. Nhưng công ty vẫn nợ một tháng lương của em không trả. Em đã đến làm việc nhiều lần nhưng cán bộ tài chính nói rằng lãnh đạo công ty không duyệt. Vậy em phải làm sao để lấy được tiền lương hả chị?

- Nếu đúng như em nói thì việc làm của công ty đã vi phạm quy định về chính sách đối với người lao động (NLĐ). Chị sẽ hướng dẫn em làm đơn, trước hết gửi lên lãnh đạo công ty và công đoàn cơ sở để chờ giải quyết. Nếu công ty vẫn không trả lương thì chị sẽ tiếp tục hướng dẫn em làm đơn gửi lên cấp có thẩm quyền cao hơn.

- Vâng, em cảm ơn chị!

Sau đó ít hôm, chị Thoa lại nhận được điện thoại của anh Thiển nhưng lần này là một tin vui. Anh Thiển cho biết sau khi anh gửi đơn với những nội dung được tư vấn có những dẫn chứng cụ thể theo quy định của pháp luật, công ty đã không thể trốn tránh và phải thanh toán đầy đủ số tiền lương 3,6 triệu đồng cho anh. Đó là câu chuyện mà chị Tống Thị Thoa, tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh chia sẻ với chúng tôi. Hiện ngoài trung tâm này, 20 công đoàn cấp trên cơ sở trong tỉnh cũng thành lập tổ tư vấn pháp luật để hỗ trợ giải quyết khiếu nại, tố cáo cho công nhân. 

Cách đây chưa lâu, cán bộ công đoàn ngành công thương cũng kịp thời can thiệp bảo đảm quyền lợi cho chị Trần Thị Thu, công nhân Công ty TNHH Vietory (Kinh Môn). Sau khi được công ty nhận vào làm ít hôm, chị Thu mới phát hiện mình có thai. Lúc ấy hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký, chị Thu cũng đủ sức khỏe để bảo đảm công việc. Nhưng sau khi chị sinh con, công ty không thanh toán tiền thai sản và còn quyết định chấm dứt HĐLĐ. Chị Thu kiến nghị thì đại diện doanh nghiệp cho biết quy chế công ty đề ra là NLĐ sau một năm làm việc mới được phép sinh con. Chị Thu đã vi phạm quy chế này nên công ty kiên quyết không làm thủ tục cho chị hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Sau khi nhận được phản ánh của chị Thu, cán bộ công đoàn ngành công thương đã làm việc với công đoàn cơ sở và đại diện cán bộ Công ty TNHH Vietory. Công đoàn ngành đã chỉ rõ sai phạm của công ty đối với các chính sách dành cho lao động nữ theo quy định của pháp luật. Cán bộ công đoàn nhấn mạnh nếu công ty không khắc phục sẽ cùng các ngành chức năng can thiệp buộc công ty phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật. Sự can thiệp kịp thời và kiên quyết của công đoàn ngành đã buộc doanh nghiệp này phải thực hiện đúng, làm đầy đủ thủ tục cho chị Thu được hưởng chế độ thai sản. Công ty cũng thu hồi biên bản chấm dứt HĐLĐ và tiếp tục nhận chị Thu vào làm sau khi hết chế độ nghỉ thai sản.

Hướng đến lợi ích cao nhất

Trong một hội thảo về nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật do LĐLĐ tỉnh tổ chức, bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng đã là cán bộ công đoàn thì ai cũng có thể trở thành người tư vấn pháp luật cho công nhân, lao động. Trong năm 2017, bản thân bà Nhung cũng tư vấn và giúp một NLĐ được hỗ trợ tai nạn lao động. NLĐ đó vào làm hơn 1 năm tại một công ty ở huyện Kim Thành nhưng chưa ký HĐLĐ nên không được doanh nghiệp hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội. Anh này không may bị tai nạn trên đường từ công ty về nhà. Do anh không có HĐLĐ, công ty không đóng bảo hiểm xã hội nên không được làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm. Bà Nhung đã tư vấn cho NLĐ và doanh nghiệp tự thỏa thuận trước khi nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Bà tìm ra những vi phạm của công ty trong vấn đề HĐLĐ làm căn cứ cho NLĐ đòi quyền lợi. Ban đầu, công ty không chịu thỏa thuận vì cho rằng mình không có trách nhiệm và nghĩ rằng NLĐ không hiểu pháp luật nên kiên quyết không thực hiện. Tuy nhiên, sau quá trình thương thảo, nhận thấy NLĐ nắm rất rõ quy định của pháp luật, doanh nghiệp đã phải "xuống nước" và chấp nhận thỏa thuận dân sự. Doanh nghiệp đã bồi thường hơn 200 triệu đồng, bố trí việc làm phù hợp với mức thu nhập bảo đảm cho NLĐ và cam kết chỉ trong trường hợp phá sản mới sa thải NLĐ này. 

Tính riêng trong năm 2017, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh và các tổ tư vấn của các công đoàn cấp trên cơ sở đã tư vấn trực tiếp cho gần 500 trường hợp. Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề như HĐLĐ, chế độ bảo hiểm, tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, kỷ luật lao động... Trong đó rất nhiều vụ can thiệp thành công như những trường hợp kể trên đã giúp NLĐ không phải chịu thiệt vì mất quyền lợi chính đáng.

Trên thực tế, công đoàn chỉ là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Căn cứ theo quy định của pháp luật, công đoàn đứng ra dàn xếp tranh chấp giữa chủ sử dụng và NLĐ trước khi có can thiệp xử lý của pháp luật. Do không có chức năng xử lý về mặt quản lý nhà nước nên đôi khi công tác hòa giải cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp chây ỳ, thiếu thiện chí hợp tác, rất cần sự quan tâm, phối hợp liên ngành để bảo đảm tốt hơn nữa quyền lợi của NLĐ.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trọng tài cho công nhân