Trồng rau rút qua đông

13/01/2015 11:20

Anh Phạm Trung Thành ở thôn Đồng Bào, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) được nhiều người biết đến bởi ngón nghề khá đặc biệt: trồng và lưu giữ được giống cây rau rút qua đông.



Trồng và lưu giữ giống rau rút qua đông là một ý tưởng táo bạo nhưng đầy hiệu quả của anh Thành


Gia đình anh Thành hiện có khoảng 3 sào ruộng trũng chuyên ươm giống cây rau rút. Cây gia vị này rất được ưa chuộng, có thể trồng từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Khi mùa đông tới, thân cây không sinh trưởng, phát triển, lá chuyển màu vàng, dần dần lụi và chết. Từ năm 1985, anh Thành đã nghiên cứu cách trồng cây rau rút trong mùa đông. Anh dựng lán có che phủ nilon trắng ngay tại ruộng, thắp điện, rắc rơm khô lên mặt luống để giữ ấm; rắc thêm tro bếp, phân ủ mục để tăng cường dinh dưỡng cho cây... Tuy nhiên, mọi "thí nghiệm" của anh đều thất bại. Không nản lòng, những năm sau đó, anh vẫn kiên trì đầu tư công sức, tiền của tự mày mò, nghiên cứu. Bình quân mỗi năm, gia đình phải tiêu tốn 40-50 triệu đồng cho ý tưởng này.


Sau 6 năm vất vả nghiên cứu, đầu tư, cuối cùng năm 1990, anh Thành đã thành công trong việc trồng và lưu giữ được cây rau rút qua đông. Đến đầu tháng 2 âm lịch, gặp thời tiết thuận lợi, cây rau rút bắt đầu phát triển và đẻ nhánh rất mạnh. Khi đó, gia đình anh ngắt ngọn (dài 40-60 cm) để bán giống cho các lái buôn hoặc bà con nông dân mang về trồng tại ruộng trũng, ao, hồ... Vụ bán rau rút giống của gia đình anh kéo dài từ tháng 2 đến hết tháng 4 âm lịch, các thương lái ở nhiều nơi phải đến gia đình anh trước cả nửa tháng để đặt hàng. Là cây gia vị nhưng rau rút giống bán được giá rất cao, bình quân 5.000 - 6.000 đồng/ngọn. Mỗi năm 3 sào trồng rau rút giống cũng đem về cho gia đình anh Thành khoản lãi 200 - 270 triệu đồng.

Trước kia, học hết THCS, anh Thành ở nhà làm nông nghiệp với bố mẹ. Gia đình anh có trang trại rộng trên 7.000 m2 trồng chuối và vải. Tuy nhiên, việc canh tác theo kiểu thoái mặc thiên nhiên không đem lại hiệu quả. Thấy lãng phí, anh Thành xin bố mẹ cho cải tạo lại. Anh phá bỏ những cây trồng cằn cỗi, tập trung chăm sóc những cây còn khả năng cho thu nhập. Anh sang huyện Thanh Hà, tỉnh Thái Bình và lên tận Nghĩa Lộ (Yên Bái) tìm hiểu kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Năm 1989, được một người bạn giới thiệu, anh tham gia học tập tại lớp sơ cấp nông nghiệp do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm mở tại huyện Thanh Hà. Về nhà anh phá bỏ toàn bộ diện tích chuối, vải và cải tạo lại đất, rồi quy hoạch từng khu đất, mua các loại cây ăn quả bố mẹ từ Trường Đại học Nông nghiệp I về trồng, tạo tiền đề cho việc chiết, ghép và ươm giống sau này. Trong đó chủ yếu là: mít siêu quả, hồng xiêm, xoài, nhãn T6, nhãn Hương chi, táo Đài Loan, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi đào Đoan Hùng, bưởi đào Thanh Hà, ổi... Trang trại của gia đình anh hiện có 100 cây mít, 80 cây táo, 60 cây hồng xiêm, 40 cây bưởi... Năm 2014, anh xuất bán trên 30 vạn cây giống các loại, tăng 30% so với năm 2013, doanh thu 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 900 triệu đồng.

Nhờ mạnh dạn và kiên trì trong đầu tư làm kinh tế gia đình, vợ chồng anh Thành có điều kiện nuôi các con ăn học đầy đủ. Hiện tại, con trai lớn của anh chị đang học Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, con gái thứ 2 là học sinh giỏi của Trường THCS Tiên Động. Anh đang lên kế hoạch thuê, mượn lại ruộng hoặc mặt ao bà con trong thôn bỏ hoang để mở thêm diện tích ươm cây rau rút qua đông.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng rau rút qua đông