Trồng hành thơm lấy củ trong cơ cấu vụ đông (2 lúa, 1 màu) đã và đang phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, nổi bật nhất là các vùng trồng hành thuộc địa bàn huyện Kinh Môn và Nam Sách. Xin chia sẻ kinh nghiệm cách trồng hành lấy củ hiệu quả để nông dân tham khảo.
+ Thời vụ trồng: Cây hành vốn ưa khí hậu lạnh, nên tốt nhất trồng hành vụ đông khi thời tiết bắt đầu hơi se lạnh (biên độ chênh lệch ngày đêm lớn). Cụ thể, vụ sớm: trồng từ 20-8 - 5-9 (chủ yếu trồng lấy củ bán thương phẩm). Chính vụ: từ ngày 1 đến khoảng 20-10 dương lịch ( trồng lấy củ làm giống).
Hành cần trồng từ củ giống được bảo quản từ vụ trước (hành chiêm) hoặc năm trước (hành đông). Trước khi đem trồng tốt nhất nên xử lý nấm bệnh tồn dư trên củ bằng cách hòa tan 1 gói Topsin (20g) + 20ml Validacin trong 10 lít nước cho 15 kg củ giống, ngâm trong vòng khoảng 15 phút sau đó để ráo rồi đem trồng.
+ Làm đất và bón phân: Đất trồng hành tốt nhất là đất thịt nhẹ, đất pha cát, nhất là đất được luân canh với cây lúa nước. Đất phải cày bừa kỹ, rắc vôi tả (15-20 kg/sào), lên luống với kích thước cao 25- 30 cm, rộng 1- 1,2m rồi tiến hành san phẳng bề mặt. Cần xử lý nấm bệnh trên luống bằng thuốc diệt nấm Validacin (15-20 ml/bình, 16 l/sào). Phun trước khi trồng khoảng 2-3 ngày.
Phân bón lót cho cây hành tốt nhất cần có phân chuồng hoai mục - phân đã được ủ cùng NPK (4- 5 tạ phân chuồng trộn đều cùng 25- 30 kg NPK loại 5:10:3 hoặc 10 kg phân NPK Đầu Trâu 13-13-13 +TE).
- Nên trộn phân chuồng cùng đất trên bề mặt luống sau đó san phẳng rồi trồng hành giúp cung cấp dinh dưỡng sớm cho cây hành sau trồng, vừa hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật có hại (nấm, vi khuẩn) tồn tại trong phân chuồng gây hại thối củ.
- Không nên bỏ phân thành từng mô nhỏ rồi cắm củ hành trực tiếp trong mô phân, vừa gây thất thoát phân khi thời tiết bất lợi (mưa, nắng), vừa có nguy cơ lớn gây thối rễ, củ hành, nhất là bệnh vi khuẩn héo xanh thời kỳ hành mới nhú vượt khỏi mặt rạ.
- Không nên cắt một phần thịt củ hành phía trên cuống củ, dễ gây thối củ, chết héo xanh, thân hành sẽ không mập mạp.
+ Trồng và chăm sóc: Nên tưới ẩm luống hành trước khi cắm củ. Củ hành được cắm chắc xuống luống đất, sâu khoảng 1/3 củ. Không nên cắm nông hơn hoặc sâu hơn đều hạn chế sự sinh trưởng của cây hành (đổ ngã hoặc thối hỏng). Tùy theo kích thước luống, bố trí các hàng sao cho hàng cách hàng 22-25 cm, cây cách cây 20 cm.
- Tưới phân thúc: Lần đầu khi hành bật khỏi mặt rạ khoảng 10 cm -12 cm. Lần 2 sau lần 1 khoảng 10-12 ngày. Tưới với lượng 1-1,5 kg ure + 10 kg supe lân + 1- 1,5 kg kali/sào cho mỗi lần.
Lần 3: Tưới khi hành bắt đầu xuống củ. Lần 4 cách lần 3 từ 7-10 ngày. Tưới với lượng 1 kg ure + 1,5 - 2 kg kali trắng (K2SO4/sào) cho mỗi lần.
* Chú ý:
- Cây hành dễ nhiễm bệnh vi khuẩn héo xanh nhất là khi hành vượt khỏi mặt rạ khoảng 5-10 cm. Nên hạn chế tưới thúc đạm lúc này, bổ sung dinh dưỡng cho cây hành tốt nhất bằng việc bón lót NPK ủ cùng phân chuồng. Nếu thấy bệnh chớm xuất hiện trên ruộng cần tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy sớm các cây hành bị bệnh. Tưới nước vôi hoặc rắc vôi tả vào gốc hành vừa nhổ để hạn chế bệnh lây lan. Đồng thời, hạn chế tưới nước và đặc biệt tuyệt đối không được tưới thúc đạm cho hành lúc này vì trong môi trường có đạm thì vi khuẩn càng sản sinh và phát triển nhiều hơn. Chỉ nên phun phân vi lượng qua lá cùng kali trắng (K2S04) để bổ sung và tăng cường sự hồi phục cho cây hành.
- Trong quá trình chăm sóc hành, không nên tưới trực tiếp dinh dưỡng vào khóm hành sẽ dễ làm cho cây nhiễm bệnh nấm, vi khuẩn... Tốt nhất, nên tưới phân vào giữa các hàng trong luống.
- Tuyệt đối không nên té nước lên thân, lá, dọc hành, nhất là khi trời tắt nắng. Cần tưới theo phương pháp tưới ngấm để bảo đảm cây hành ít có nguy cơ bị nấm bệnh xâm hại.
KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông Nam Sách)