Đu đủ trồng vụ thu có nhiều lợi thế hơn so với trồng vụ xuân vì đốt thân không vươn dài, cây nhanh cho quả, năng suất, chất lượng quả cao hơn, tỷ lệ sâu bệnh hại cũng ít...
Hiện các nhà vườn đang chuẩn bị đất để trồng một số giống đu đủ lai lùn siêu quả được nhập khẩu từ Thái Lan, Hà Lan... Những giống này có tiềm năng năng suất cao, chất lượng quả tốt. Sau đây là một số biện pháp kỹ thuật tác động tích cực để cây đu đủ cho hiệu quả cao:
1. Thời điểm trồng
Đu đủ lùn thường ra hoa đậu quả sớm (2,5- 3 tháng sau trồng) nên các nhà vườn có thể trồng từ trung tuần tháng 8 đến cuối tháng 9 dương lịch là thích hợp nhất.
* Lưu ý: Đu đủ chỉ nên trồng xen với cây đậu đỗ vì bản thân đu đủ là cây trồng ưa thâm canh, khai thác đất rất mạnh. Loại cây này đòi hỏi phải được trồng nơi dại nắng vì ánh sáng không đủ đốt thân sẽ vươn dài, lá nhỏ, mỏng, năng suất thấp và dễ nhiễm sâu bệnh.
Tùy vào khả năng thoát nước của đất trồng mà đu đủ có thể trồng theo luống hoặc đắp đất thành ụ cao 50- 60 cm (rễ cây chịu úng rất kém). Nên chọn đất giàu mùn, giàu dinh dưỡng để trồng. Mật độ thích hợp cho các giống đu đủ lai là 3 x 2 m hoặc 2,5 x 2m (khoảng 2.000 cây/ha).
Bón lót phân cho đu đủ cần chuẩn bị một lượng phân chuồng( 20-25 kg/cây hoặc 2- 2,5 kg phân hữu cơ vi sinh) trộn đều với khoảng 0,2- 0,5 kg NPK 13:13:13+TE và 0,2- 0,3 kg vôi tả (Nếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh thì không trộn cùng vôi tả). Phân lót được đảo đều với đất ụ.
Sau trồng khoảng 20-30 ngày cần thúc phân cho đu đủ bằng NPK 13-13-13 hoặc phân DAP với lượng từ 30-50g/cây.
Khi cây từ 1-3 tháng tuổi bón thúc tiếp mỗi tháng 1 lần, sử dụng NPK 13-13-13+TE hoặc 16-16-8+TE với lượng trung bình 70-100 NPK/cây.
Từ 3-7 tháng tuổi (mỗi tháng bón 1 lần) với lượng 150- 200g/cây/lần. Thực tế cho thấy sử dụng loại phân NPK chuyên quả củ như NPK 7-7-14 hoặc 7- 8-16 bón thúc cho đu đủ giai đoạn này là rất tốt. Cách bón thúc cho các lần là xới đất quanh tán bón phân và vun đất.
* Lưu ý:
- Đu đủ lùn là giống cao sản nên muốn cho cây có đủ dinh dưỡng nuôi quả, người trồng cần thường xuyên quan sát và theo dõi tốc độ sinh trưởng, phát triển của mỗi cây. Tùy theo lượng quả trên cây nhiều hay ít mà điều chỉnh lượng phân thúc nuôi quả cho phù hợp.
- Không nên bón nhiều đạm cho cây mang quả vì sẽ gây hiện tượng dư thừa nitrat trong quả, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và dập nát quả khi vận chuyển. Trường hợp cây ra hoa và đậu quá nhiều quả thì người trồng có thể tỉa bớt những quả đã lớn để bán xanh làm rau.
2. Phòng trừ sâu bệnh
Đu đủ trồng vụ thu thường bị các bệnh như thối rễ, thối thân, thối quả, thán thư do nấm, bệnh khảm do virus, một số loài sâu hại chính như ruồi đục quả, rệp sáp... Các nhà vườn cần thường xuyên kiểm tra vườn cây, sớm phát hiện và phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc "4 đúng" khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc khi quả đã lớn, thuốc trừ bệnh an toàn.
Tùy theo mục đích sử dụng mà có thể thu hoạch đu đủ xanh hay chín.
* Lưu ý: Để giảm lượng quả bị thối sau thu hoạch tốt nhất nên ngâm quả trong nước ấm 50 độ C trong 20-25 phút.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)