Trọn vẹn 79 mùa xuân cho dân tộc và nhân loại

19/05/2013 18:36

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, 79 mùa xuân cho đến phút cuối cùng, là cuộc đời trọn vẹn và toàn vẹn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân...


Cốt cách vĩ nhân


Với tấm lòng yêu nước nồng nàn và nhãn quan chính trị sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Con đường cứu nước mà Người đã tìm ra là một sáng tạo vĩ đại, một cống hiến có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Đó là con đường cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Bác đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong những công lao đó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta, không những có ý nghĩa trọng đại đối với Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Tiếp đó, Bác và Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; tiến hành hai cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trái tim, khối óc của Bác Hồ không chỉ nghĩ về việc nước, về phong trào cách mạng thế giới, mà còn chăm lo cả đến bếp ăn của bộ đội, nhà tắm cho nông dân, nơi an dưỡng của người già, trường học cho các cháu nhỏ... Mùa hè đến, mồ hôi đẫm áo, Người nghĩ đến người dân đang lam lũ trên đồng ruộng, những chiến sĩ phòng không đang trực trên nóc hội trường Ba Đình. Là Chủ tịch nước song trong sinh hoạt hằng ngày, những việc nào làm được, Bác tự làm, không nhờ vả hay ỷ lại cho người khác. Tất cả hình ảnh, chi tiết đó, tự nói lên nhiều điều: một tư thế giản dị, ung dung, tự tại, luôn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của một lãnh tụ mẫu mực.

Từ góc nhìn của lịch sử nhân loại, Hồ Chí Minh được đánh giá là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc bởi những đóng góp của Người đối với phong trào giải phóng dân tộc thế giới và Việt Nam. Với vai trò là người tìm ra và lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản thành công, Hồ Chí Minh đã có đóng góp to lớn với tư cách là người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản trong thế kỷ XX. Cống hiến lớn lao của Người đã làm thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên cả phương diện lý luận và thực tiễn đấu tranh cách mạng.  

Lan toả văn hoá tương lai

44 năm trôi qua kể từ khi Bác từ biệt thế giới này, đi vào cõi vĩnh hằng, cũng là 44 năm chúng ta thực hiện Di chúc của Người để lại.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, 79 mùa xuân cho đến phút cuối cùng, là cuộc đời trọn vẹn và toàn vẹn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh của dân tộc, cho bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.

Trong Di chúc, hai nội dung quan trọng bậc nhất mà Người để lại là xây dựng Đảng và chăm lo cho con người. Người đặc biệt nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền. Người coi trọng sự đoàn kết trong Đảng, giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Muốn vậy, phải trau dồi đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, để thật sự trong sạch, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân; phải thấm nhuần và nâng cao “đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức như rửa mặt hằng ngày, kiên trì, bền bỉ suốt đời; sống tình nghĩa, “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Tư tưởng của Bác Hồ với hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc, về con người và văn hoá, về chủ nghĩa nhân văn và đạo đức, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và nhiều vấn đề khác... vốn mang ý nghĩa và giá trị thời đại, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt, việc Bác được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam, tự nó đã nói lên ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đúng như nhà lãnh đạo ngoại giao - nhà thơ Xuân Thuỷ đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một con người gồm kim cổ tây đông/ Giàu quốc tế đậm Việt Nam từng nét.

Ngoài ra, Tạp chí Thời đại (Times) của Mỹ, Tạp chí Quốc tế Danh nhân thế giới (International Who’s Who) đã bầu chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX.

Ngay từ năm 1923, trong bài “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” được đăng trên Tạp chí Ogoniouk (Liên Xô), nhà thơ, nhà báo Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”. Thời gian lặng lẽ trôi, ngày càng chứng minh rõ cái nhìn nhạy bén và nhận xét tài tình của nhà thơ, nhà báo Ô-xíp Man-đen-xtam.

Ngày nay, mỗi một câu chuyện về Bác đều trở thành một bài học vô giá về nhân cách, về đạo đức cho mỗi chúng ta học tập và làm theo. Việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã và đang trở thành hành động tự giác, tích cực của cán bộ, đảng viên, quần chúng trên mọi miền đất nước. Tư tưởng của Bác, tấm gương đạo đức của Bác vẫn đang bay cao, tỏa sáng, để tạo dựng nên lớp lớp những chiến sĩ, những cán bộ, những con người của thế hệ Hồ Chí Minh. Giống như lời Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi (In-đi-ra Găng-đi) đã từng ca ngợi: “Tên tuổi của Người sẽ trường tồn như nhân dân của Người. Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ các thế hệ mai sau”.

TRẦN TIẾN DUẨN

(0) Bình luận
Trọn vẹn 79 mùa xuân cho dân tộc và nhân loại