Tròn 90 ngày đánh "giặc'' COVID-19: Thành quả từ chiến lược chủ động

23/04/2020 11:33

Từ ngày 23.1 đến nay, nhờ kiên trì áp dụng các biện pháp mạnh mà Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19.

Nguồn: TTXVN

Kể từ 0 giờ ngày 23.4, Việt Nam cơ bản ngừng thực hiện cách ly xã hội. Đó là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ diễn ra vào chiều 22.4 để đánh giá lại kết quả việc phòng chống dịch tại các địa phương theo ba nhóm nguy cơ từ sau ngày 15.4 đến nay.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ từ ngày 23.1 đến nay, cả nước đã kiên trì áp dụng các biện pháp mạnh, đặc biệt là nhờ việc áp dụng chính sách cách ly xã hội đúng đắn (từ ngày 1.4 đến ngày 22.4) mà Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để nước ta "chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội."

"Từ khóa" mang niềm hy vọng được tìm kiếm hằng ngày

Vào lúc 6 giờ ngày 23.4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết nước ta trong suốt một tuần không ghi nhận các ca mới mắc COVID-19, không có trường hợp tử vong. Trong số 268 ca mắc COVID-19 tại 28 tỉnh, thành phố, có 160 người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).

Trong ngày 22.4 đã có 7 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã chữa khỏi cho 223 ca trong tổng số 268 bệnh nhân, chiếm 83% số người mắc COVID-19. Trong số 45 bệnh nhân đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế có 39 bệnh nhân đang nằm tại các bệnh viện tuyến Trung ương; 4 bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến tỉnh; 2 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.

Tron 90 ngay danh

Bệnh nhân COVID-19 số 183 chào và bày tỏ sự cảm ơn tới các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong ngày được công bố khỏi bệnh. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Lần đầu tiên kể từ ngày 6.3, Việt Nam trong 7 ngày liên tiếp (từ ngày 17 đến ngày 23.4) đã ngăn cản được cuộc tấn công dồn dập của virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn 2 và 3 của dịch bệnh.

Trong giai đoạn 1 của cuộc chiến chống COVID-19 (từ ngày 23.1 đến 6.3), Việt Nam đã chữa khỏi tất cả 16 bệnh nhân đầu tiên. Ngày 6.3 là thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn hai khốc liệt hơn - liên tiếp phát hiện các ca bệnh "có yếu tố nước ngoài." Từ đó, thông tin về các ca mắc mới đều đặn được phát ra vào mỗi buỗi sáng và buổi chiều, tuy số lượng không nhiều nhưng kéo dài dai dẳng. Tiếp theo các ca bệnh 17, 18 là bệnh nhân 19, 20, rồi 30, 50, 100, 200…

Sáng 9.4, Bộ Y tế thông báo không có thêm ca mắc COVID-19 mới nào trong 12 giờ qua. Cùng với việc không có ca mắc mới được thông báo trong bản tin chiều 8.4 thì lần đầu tiên Việt Nam không ghi nhận ca mắc bệnh mới trong 24 giờ liên tục, tính từ ngày 6.3, tạm dừng ở con số 251 người mắc. Đây là một tín hiệu vui. Nhưng đến sáng 10.4, ở nước ta lại có thêm 4 bệnh nhân nữa được phát hiện. Còn ở thời điểm sáng 16.,4 số người mắc COVID-19 ở Việt Nam là 268, bệnh nhân mới nhất là cô gái 16 tuổi, dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Tín hiệu lạc quan mang tính bền vững hơn đến với mọi người Việt từ sau ngày 17.4 với những tiêu đề “reo vui” trên các báo: "Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong 2 ngày liên tiếp," "Lần đầu tiên, Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 nào trong 36 giờ," "4 ngày liên tục, Việt Nam không có ca nhiễm mới Covid-19", "Việt Nam 5 ngày không có ca mới," "Tròn 6 ngày không có ca mắc mới, dự kiến 6 bệnh nhân bình phục"…

Bắt đầu từ ngày 18.4 trong lòng mỗi người dân Việt Nam nhen nhóm tia hy vọng về chuỗi ngày liên tiếp không có nạn nhân mới của SARS-CoV-2 ở trong nước. "Từ khóa" gồm 5 từ "không có ca mắc mới" được người dân thấp thỏm tìm kiếm hằng ngày.

Bác Đặng Loan, nhà báo TTXVN đã nghỉ hưu, cho biết: "Mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên mà tôi làm là mở máy điện thoại, gõ "từ khóa" với hy vọng tìm được câu trả lời tích cực. Cứ thế, tôi sống với niềm vui nho nhỏ mỗi ngày. Không có bệnh nhân mới hay số ca mắc ở mức tối thiểu sau mỗi 12 giờ, 24 giờ là thêm cơ hội để đất nước, đặc biệt là Chính phủ và ngành y tế, tích lũy tài lực, vật lực nhằm chống chọi với COVID-19. Một ngày, một giờ đều quý trong cuộc chiến này".

Tâm tư của bác Đặng Loan cũng là suy nghĩ của 94 triệu người Việt ở trong nước và hàng triệu kiều bào ở nước ngoài.

Trong khi đó, trên thế giới, COVID-19 đang ngày càng lan rộng. Số ca mắc bệnh, tử vong toàn cầu vào ngày 6.3, khi Việt Nam bước vào giai đoạn 2 chống dịch, mới là 98.570 ca và 3.394 người. Đến 6 giờ ngày 23.4 (theo giờ Việt Nam), khi Việt Nam cơ bản ngừng cách ly xã hội, con số này đã tăng vọt lên 2.632.532 ca và 183.866 người, Riêng ở Mỹ, điểm nóng nhất về dịch, có 846.294 ca mắc và 47.524 người tử vong.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội)

Chủ động và nhất quán trong ứng phó với dịch

Tối 23.1, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có mặt khẩn cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) để kiểm tra tình trạng sức khỏe của hai bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam. Đây là hai cha con người Trung Quốc, trong đó người bố đã đi từ Vũ Hán (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Như vậy, Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến trực diện với SARS-CoV-2 (lúc đó có tên gọi là virus nCoV).

Vào thời điểm này Trung Quốc mới ghi nhận 541 ca mắc COVID-19, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Thái Lan có 4 ca, Hàn Quốc - 1 ca, Mỹ - 1 ca…

Ngay từ dầu Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và thống nhất trước sau như một trong cuộc chiến chống "giặc COVID-19". Phương châm "3 trước" (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước), "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) được áp dụng triệt để. Nguyên tắc không thay đổi trong việc phòng, chống dịch của Việt Nam là phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để.

Chiều 27.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đang lây lan nhanh tại Trung Quốc. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, gồm cả các biện pháp mà thế giới đã áp dụng và các biện pháp mới, để các ngành, địa phương triển khai tốt nhất, nhanh nhất, đồng bộ nhất để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, không để dịch lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ngày 28.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt thành lập Đội phản ứng nhanh và Bộ Y tế hàng ngày có trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm, chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu, đường bộ, đường thủy, sân bay quốc tế giám sát chặt các hành khách nhập cảnh đối với các trường hợp đi từ vùng dịch, quản lý các trường hợp bệnh.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chuẩn bị các kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch trước ngày 30.1.2020; sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch; có hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Ngày 29.1, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã ký Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp ở Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Công văn nêu rõ, hiện nay dịch bệnh này chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, dịch đang diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao.

Ngày 30.1, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona trên toàn quốc.

Ngày 6.2, Việt Nam thực hiện biện pháp mạnh mà hầu hết các quốc gia chưa áp dụng – quyết định cho toàn bộ học sinh, sinh viên trên cả nước nghỉ học để phòng dịch.

Tiếp đến, ngày 12.2, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) - ổ dịch COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, được phong tỏa toàn bộ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đây là biện pháp mạnh mẽ nhất được thực hiện trong giai đoạn 1 của dịch bệnh theo chiến lược phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để.

Đến ngày 25.2, tất cả 16 ca nhiễm COVID-19 trong giai đoạn 1 ở Việt Nam đều được chữa trị khỏi bệnh.

Ngày 6.3, Việt Nam phát hiện ca bệnh 17 mới từ Anh nhập cảnh vào Việt Nam. Ca bệnh này mở đầu cho giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19 - giai đoạn liên tục có các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mang "yếu tố nước ngoài".

Ngày 21.3, số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng lên con số 61, chủ yếu là người Việt Nam ở nước ngoài về hoặc người nước ngoài mới nhập cảnh vào Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ 0 giờ ngày 22.3, đồng thời áp dụng biện pháp cách ly tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh.

Trước đó, ngày 20.3, Việt Nam ghi nhận ba ca mắc COVID-19 mà không rõ nguồn lây, trong đó có một nữ điều dưỡng viên ở Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, nước ta bước vào giai đoạn 3 trong việc phòng, chống dịch bệnh, khi virus đã lây lan trong cộng đồng.

Trong tháng 3 và tháng 4, TP Hà Nội quyết liệt khoanh vùng nhanh, cách ly triệt để, truy dấu vết nguồn lây ở bốn ổ dịch mới là phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); Bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa); thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh); thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín).

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ổ dịch ở quán bar Buddha (phường Thảo Điền, Quận 2) liên quan đến yếu tố dịch tễ ngoại nhập, cũng được áp dụng biện pháp tương tự. Cùng thời gian đó, tỉnh Ninh Thuận phong tỏa thôn Văn Lâm 3 (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) có lịch sử dịch tễ liên quan đến yếu tố hành lễ tôn giáo.

Mới đây nhất, ngày 22.4, UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) tiếp tục phong tỏa thị trấn Đồng Văn do liên quan đến bệnh nhân 268. Thôn Tả Kha (thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn) cũng bị phong tỏa đồng thời, UBND huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) quyết định tiếp tục cách ly Trạm Y tế xã Thanh Thủy từ ngày 22.4 cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 27.3, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 15/CT-TTg Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19. Chỉ thị nêu rõ: Nước ta đã bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu: Chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng, quyết tâm cao hơn nữa phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tụ tập đông người từ 0 giờ ngày 28.3 đến hết ngày 15.4: dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người; tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu…

Ngày 30.3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân "đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ."

Ngày 31.3, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1.4 trên phạm vi toàn quốc; mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Tiếp đó, chiều 15.4, Thường trực Chính phủ đã họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh… Nước ta được chia làm ba nhóm tỉnh, thành có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp; mỗi nhóm áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời hạn khác nhau.

Còn tại cuộc họp vào chiều 22.4 của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID- 19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với việc phân các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Theo đó, không một tỉnh, thành phố nào trong cả nước còn nằm trong nhóm nguy cơ cao, song TP Hà Nội có huyện Thường Tín, huyện Mê Linh thuộc nhóm nguy cơ cao và tỉnh Hà Giang có huyện Đồng Văn thuộc nhóm nguy cơ cao. Các địa bàn nằm trong nhóm nguy cơ cao vẫn cần áp dụng nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg.

Chiến lược chống dịch một cách chủ động và nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam được tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, toàn quân, toàn dân ủng hộ và nghiêm túc thực hiện, mỗi người dân trở thành một chiến sỹ diệt virus.

Thành quả của 90 ngày chống dịch quyết liệt được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật trong chiều 22.4. Theo đó, Thủ tướng quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước từ 0 giờ ngày 23.4. Đây là tiền đề để Việt Nam bước sang giai đoạn mới - chống dịch dài hơi, hay nói cách khác vừa chống dịch vừa ổn định cuộc sống, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tròn 90 ngày đánh "giặc'' COVID-19: Thành quả từ chiến lược chủ động