Ngày 30.4.1975 là mốc son ngời sáng của phút giây đoàn tụ hai miền Nam, Bắc “về chung một nhà”; là nguồn cảm hứng thiêng liêng, vô tận cho thế giới văn chương nghệ thuật.
Ngày 30.4.1975 là mốc son ngời sáng của phút giây đoàn tụ hai miền Nam, Bắc “về chung một nhà”; là nguồn cảm hứng thiêng liêng, vô tận cho thế giới văn chương nghệ thuật. Bài thơ Viết cho con ngày chiến thắng của nhà thơ Xuân Quỳnh cũng nằm trong mạch cảm xúc chung ấy.
Ngay ở những câu thơ mở đầu, như sự vẫy gọi tận sâu thẳm hồn mình, lời tâm sự cùng con đã hóa thành nỗi niềm chung với non sông, đất nước: "Con nhỏ ơi, con xuống đường với mẹ/Giữa dòng người rực rỡ cờ hoa/Chúng ta chiến thắng rồi, đất nước chúng ta/Đã đoàn tụ, đã không còn bóng giặc".
“Chúng ta chiến thắng rồi, đất nước chúng ta” là câu thơ giàu nhạc điệu, cứ láy đi láy lại, ngân nga, dào dạt. Bởi lẽ hơn ai hết, chính người mẹ đã chứng kiến bao cảnh đạn bom giày xéo núi sông nên thấu hiểu niềm vui hôm nay là vô cùng to lớn: "Không còn tiếng đạn bom trên mặt đất/Trời trong xanh như ánh mắt con nhìn/Mẹ bồng con đi giữa phố đông/Niềm vui lớn sáng bừng muôn nét mặt".
Cứ thế, mạch cảm xúc bài thơ từ đó tuôn trào xuyên suốt. Nhà thơ nói với con, tâm sự với con về ngày chiến thắng, nhưng qua đó người đọc cũng nhận ra sự đối lập giữa niềm vui chiến thắng hôm nay và quá khứ gian khổ, hy sinh của bao lớp người ngã xuống: "Nhớ những con đường đất nước đi qua/Nhớ những đèo cao, nhớ những bến phà/Nhớ đồng đội những tháng năm gian khổ/Đất nước thức vạn đêm không ngủ/Cho bầu trời và tiếng hát hôm nay". Tác giả nhập vai nhân vật trữ tình người mẹ thủ thỉ với con cũng là để nhắc nhớ về những tháng năm gian khổ. Có nỗi đau nào bằng “đất nước thức vạn đêm không ngủ”? Câu thơ nghe cứ cứa vào lòng...
Nếu khổ thơ đầu với 26 câu thơ là lời tâm tình vừa thiết tha, sâu lắng, vừa hạnh phúc mê say thì đến khổ thơ sau chỉ với 11 câu thơ nhưng giọng điệu đã có những đổi thay. Đó là giọng tự hào, vui tươi phơi phới. Cùng với sự hân hoan là biết bao viễn cảnh huy hoàng mà người mẹ nói với con mình. Con sinh ra dù Bác Hồ đã không còn nữa, nhưng TP Hồ Chí Minh - tên của Bác Hồ kính yêu - con sẽ được nhìn thấy mai này. Chỉ chừng đó thôi, hạnh phúc vô biên và niềm tin rạng rỡ đã choáng ngợp tâm hồn tác giả không sao tả hết: "Trời hôm nay trọn vẹn của ta rồi/Khi sinh ra con không còn gặp Bác/Nhưng đường Bác mở ra, giờ tới đích/Con sẽ về thành phố Hồ Chí Minh".
Hạnh phúc lớn lao nhất là từ đây hai miền Bắc, Nam không còn đôi ngả phân li dằng dặc. Người mẹ nói với con trong ngày chiến thắng với biết bao cảm xúc rộn ràng, vui tươi thật sự đã mang lại cho lòng người những mơ ước, tự hào: "Đất nước không còn hai ngả Bắc Nam/Con sẽ lớn giữa Việt Nam thống nhất/Con sẽ thấy những ngôi nhà sáng đẹp/Những trái thơm, mỏ lớn, những mùa vui...".
Bài thơ khép lại với ba từ “Chào chiến thắng” nghe có vẻ bất thường về số tiếng, giọng điệu, nhịp điệu nhưng là sự cô đọng của niềm vui được nén gọn để rồi bật ra một cách tự nhiên, đầy hào sảng: “Giữa tiếng reo tiếng hát của muôn người/ Mẹ nâng con như hoa của tương lai/Chào chiến thắng!”.
LÊ THÀNH VĂN
Viết cho con ngày chiến thắng Con nhỏ ơi, con xuống đường với mẹ 30.4.1975 XUÂN QUỲNH |