“Trôi dạt cõi người” đằm sâu cảm xúc

19/02/2012 08:29



Sau 5 tập thơ, nhà thơ Tô Ngọc Thạch lại trình làng tập bút ký “Trôi dạt cõi người” (NXB Hội nhà văn-2012) dầy 360 trang, in đậm dấu chân anh qua nhiều vùng đất, từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu.
Có lẽ ít nhà thơ, nhà văn nào ở ta có cái may được chu du thiên hạ nhiều như Tô Ngọc Thạch. Thời trẻ du học, khi đã đứng tuổi thì đi làm việc, học hỏi kinh nghiệm và tham quan, du lịch. Đi thời nào, đi kiểu gì anh cũng ghi chép khá tỷ mỉ, từ lúc xuất phát đến suốt hành trình, thậm chí làm thủ tục nhập cảnh, chờ tàu xe, kể cả việc hành lý ký gửi ở các phương tiện giao thông ra sao, anh đều ghi lại khá chi tiết. Đọc 13 bút ký trong tập, thấy hiện nên một Tô Ngọc Thạch cần mẫn, đi đến đâu cũng chăm chú quan sát, ghi vào bộ nhớ tất cả những gì được nghe, được nhìn tận mắt. Anh hầu như tôn trọng tuyệt đối quy định ngặt nghèo của thể ký là tính chân thật, vì thế “Trôi dạt cõi người” mang đến cho người đọc những hứng thú để đi cùng tác giả từ đầu đến cuối hành trình.

Tôi biết vùng đất Xibia trong sách giáo khoa khi còn học cấp 2, giờ đã ở tuổi “thất thập” nhưng đọc bài “Xibia- vùng đất huyền thoại” trong tập “Trôi dạt cõi người” vẫn như mới lần đầu được biết vùng đất xa xôi và huyền bí ấy. Là người nhiều năm học tập và làm việc ở Liên Xô (cũ), nhà thơ Tô Ngọc Thạch khá am tường không chỉ vùng đất Xibia, mà còn nhiều nơi khác như Mátxcơva, Xanh Petecbua, hay những nước tách ra từ Liên Xô (cũ) như Uzbekistan với thành phố Tashkent nổi tiếng. Vì thế, bút ký của anh về những con người và vùng đất thuộc Liên Xô (cũ) mang đến cho người đọc bức tranh chân thực, sinh động và khá hấp dẫn. Không chỉ giúp người đọc, nhất là người đọc thích tìm hiểu lịch sử, thích đi du lịch, những tư liệu có giá trị, mà đến đâu, quan sát, ghi chép được điều gì dường như anh đều dành những phút giây trầm tư suy ngẫm và rút ra những điều bổ ích cho mình, và với cả bạn đọc.
Là người làm thơ và dịch văn học Nga, nhưng Tô Ngọc Thạch trong tập văn xuôi đầu tiên này khá sành trong cách kết cấu, dàn dựng chuyện và luôn tỏ ra làm chủ ngòi bút, trong khi đang kể chuyện ở chỗ này, anh lại tạt sang chỗ khác để nhấn mạnh, hoặc làm ví dụ, rồi lại quay lại hiện tại được ngay. Dấu ấn của nhà thơ hiện khá rõ trong những trang viết dạt dào cảm xúc và đằm sâu suy nghĩ. Với một mạch trần thuật đan xen miêu tả thoáng và gợi: “Mỗi khi đông về, băng giá lại bao trùm lên cả vùng đất bao la rộng lớn. Bầu trời như bị xé vụn ra ngàn vạn mảnh thành những cánh hoa trắng muốt, lúc nhởn nhơ, lúc dập dồn rồi nghiêng chao là là xuống đất. Mỗi cánh tuyết như số phận một con người. Lúc bổng lúc trầm”. Hoặc khi đang đi tàu điện ngầm ở Luân Đôn tới góc khuất của Thủ đô nước Anh, nhà thơ dường như không nén được suy tư trước cảnh trái ngược sáng, tối ngay giữa nơi phồn hoa, liền rung lên tiếng lòng thật da diết: “Bản nhạc héo khô ngác ngơ bên ánh đèn nhấp nháy. Muôn mảnh đời phiêu dạt Á - Âu nét mặt bơ phờ”. Những câu thơ như thế gặp rất nhiều trong tập, làm tăng thêm sự truyền cảm, dịu bớt sự căng thẳng và làm mềm đi giọng trần thuật khô khan.

Văn chương cũng giống như người đầu bếp, khéo tra mắm muối cho vừa thì ngon, còn như quá tay một chút có khi lại mặn, nhạt khó chữa. Ý nghĩ ấy đến với tôi khi đọc “Trôi dạt cõi người” thấy ở một số bút ký tác giả có phần lạm dụng trong việc đưa tư liệu vào bài viết. Đến đâu anh cũng dẫn ra những số liệu về địa lý, khí hậu, giao thông, văn hóa, giáo dục, kiến trúc, để riêng từng bút ký thì khá hay, nhưng để cả một tập thì đôi khi làm trang văn khô cứng.

Là tập văn xuôi đầu tiên của Tô Ngọc Thạch, nhưng “Trôi dạt cõi người” là tập bút ký rất đáng đọc, nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang hội nhập sâu với thế giới thì những hiểu biết về các nước phát triển như tác giả đã ghi lại trong tập sách này rất đáng trân trọng.


CAO NĂM
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Trôi dạt cõi người” đằm sâu cảm xúc