Nguyễn Thu Hằng (Cẩm Giàng) - một cộng tác viên tích cực của Báo Hải Dương, là một cây bút đa tài và sung sức.
Nguyễn Thu Hằng (Cẩm Giàng) - một cộng tác viên tích cực của Báo Hải Dương, là một cây bút đa tài và sung sức. Chị không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn với đề tài biển đảo (Tập truyện Bám biển, Đảo thức), đề tài nông thôn (Tập truyện Cánh đồng xa xăm, Mưa ngâu…), viết về tuổi hai mươi (Tập truyện Chuồng cọp trên cao)… Chị khẳng định sự trưởng thành trong ngòi bút khám phá hiện thực và phong cách nghệ thuật qua một loạt giải thưởng văn học từ trung ương đến địa phương. Tác phẩm của chị xuất hiện thường xuyên trên nhiều tờ báo: Văn nghệ, Nhân dân, Giáo dục và Thời đại, tuần báo Văn nghệ Hồ Chí Minh, tạp chí Xứ Thanh... Chị cũng khẳng định mình qua nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác. Dù ở mảng đề tài nào, Nguyễn Thu Hằng cũng để lại dấu ấn riêng với chất giọng riêng, gây bất ngờ, thú vị cho người đọc. Trong nhiều mảng sáng tác của mình, chị dành tình cảm đặc biệt cho lứa tuổi thần tiên qua các tập truyện thiếu nhi: Cánh thư bay, Thì thầm cùng giọt sương, Mật thư trên ngọn đa… Và mới đây, chị cho ra mắt độc giả tập truyện Cây gạo cõng mặt trời do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành (quý II.2022). Đây là đầu sách thứ 10 trong hành trình sáng tạo văn học của chị.
Với 22 truyện ngắn trong hơn 100 trang sách, Cây gạo cõng mặt trời đã đưa người đọc đến với thế giới trong sáng, hồn nhiên và đầy ắp những câu chuyện tinh nghịch, đáng yêu, ngộ nghĩnh về thế giới loài vật, cỏ cây… Đó là những câu chuyện giàu trí tưởng tượng về anh em Nhện Xám, Bê Vàng, Sáo Diều, Mèo Con, Bê Bê hay Gọng Vó… rất phù hợp với tâm lý của lứa tuổi thần tiên với những tình cảm ấm áp. Bối cảnh không gian của tập truyện chủ yếu là nông thôn đồng bằng Bắc Bộ với phong cảnh êm đềm, thơ mộng của làng quê, của những bầu trời đầy trăng sao lung linh, những cánh đồng, dòng sông, bờ đê, ao bèo, khóm tre… Người đọc sẽ bắt gặp những câu văn tả cảnh huyền diệu, những tình huống bất ngờ, hấp dẫn, li kỳ (Mèo con và những người bạn, Ra đồng hóng gió, Tia nắng và giọt mồ hôi…).
Hầu hết các truyện trong tập Cây gạo cõng mặt trời đều là truyện đồng thoại. Nhân vật thường là loài vật hoặc đồ vật được Nguyễn Thu Hằng nhân cách hóa, vừa mang những đặc tính vốn có của loài vật, đồ vật lại vừa mang đặc điểm của con người. Với lối kể chuyện dí dỏm, hài hước, cách dẫn truyện tự nhiên, tác giả đã sáng tạo một thế giới sinh động dành cho trẻ thơ. Chứng tỏ Nguyễn Thu Hằng rất gần gũi, yêu mến lứa tuổi thần tiên và có khả năng quan sát, đồng cảm, hóa thân nên chị mới thổi hồn vào các nhân vật của mình trong những câu chuyện sinh động và lôi cuốn như thế: Gọng Vó biết bay, Sẻ Nâu cứu bạn, Cây lạc ngốc, Dây bấc ngọn lửa, Bảo bối của Bê Bê...
Không chỉ cảm thụ văn học qua cách kể dí dỏm, lôi cuốn, ngôn ngữ phong phú, sinh động của Nguyễn Thu Hằng mà các bạn học sinh sẽ rút ra những bài học về kỹ năng sống, cách ứng xử với người thân trong gia đình, với bạn bè, với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống hằng ngày. Những tình cảm chân thành, trong sáng được thử thách qua tình thế éo le để cuối cùng vỡ òa bằng những kết thúc có hậu, rất nhân văn.
Cây gạo cõng mặt trời là tập truyện đầy chất thơ, không chỉ đem đến những bài học đầu đời quý giá cho tuổi thần tiên mà còn khơi dậy trong tâm hồn tuổi thơ trí tưởng tượng bay bổng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nhân ái, giàu yêu thương dành cho thế giới loài vật, dành cho thiên nhiên và quê hương, đất nước.
Tập truyện của Nguyễn Thu Hằng không chỉ dành riêng cho thiếu nhi, giúp các em đến với các cung bậc cảm xúc phong phú, hiểu được những bài học bổ ích sâu sắc, thấm thía mà đọc Cây gạo cõng mặt trời, người lớn sẽ được trở về với thế giới tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm, thấy những thông điệp sâu sắc qua những câu chuyện về loài vật, sự vật… để bồi đắp tâm hồn mình thêm giàu đẹp.
TRẦN THỊ LÀNH