Trở về sau 2 lần báo tử

29/04/2019 18:24

Sau chiến tranh, sự trở về bất ngờ của những người lính đã từng có giấy báo tử là một kỳ tích.

Ông Nguyễn Xuân Tứ cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hoan mở cơ sở thêu Hoan Tứ tại quê hương

Đặc biệt, với người từng có 2 giấy báo tử như cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tứ (sinh năm 1952) ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) thì câu chuyện cuộc đời ông thật như một thước phim kỳ diệu.

Gia đình từ chối làm lễ truy điệu

Năm 1970, chàng trai Nguyễn Xuân Tứ vừa tròn 18 tuổi đã cùng bạn bè trong xã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 12.1970, ông Tứ nhập ngũ rồi đi B, là chiến sĩ thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông Tứ kể lại: "Chúng tôi được đơn vị đưa đến tỉnh Quảng Bình, rồi cả đoàn xuống xe hành quân. Mùa mưa ở đây khủng khiếp lắm, đường Trường Sơn lầy lội, vì thế cuộc hành quân càng gian nan, vất vả. Chưa đặt chân tới trạm cuối thì tôi bị sốt rét ác tính, lên cơn co giật và phải điều trị 2 tháng trời". 

Sau khi khỏi bệnh, ông Tứ cùng đồng đội chiến đấu trên nhiều chiến trường như Phước Long, Bình Long... Trận đối đầu với quân địch để bảo vệ cụm chốt chặn Tàu Ô (xóm Ruộng nay thuộc xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, Bình Phước) vào tháng 6.1972 là đoạn ký ức ông mãi không thể quên. Lúc đó, cụm chốt Tàu Ô được ví như "cánh cửa thép" để ngăn chặn quân địch giải vây thị xã An Lộc, đồng thời không cho địch ở An Lộc rút khỏi vòng vây của Quân Giải phóng. Với phương châm "chốt cứng, chặn đứng", mỗi đại đội là một cụm chốt, mỗi tiểu đoàn là một vùng chốt có nhiều tầng lớp liên hoàn trên đường 13, quyết không để một tên địch nào vượt qua chốt chặn Tàu Ô. 

Trong trận ấy, mũi chiến đấu của ông Tứ gồm 5 người được phân công tiếp cận trận địa và bảo vệ chốt từ đêm. Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, địch phát hiện ra chốt chặn và huy động hỏa lực tấn công. Bộ đội ta từ các hầm cố thủ chống trả kiên cường. Lúc từ dưới hào nhô lên để bắn trả, ông Tứ bị trúng đạn ngất lịm đi. 9 giờ đêm hôm đó, ông Tứ mới được các chiến sĩ tải thương chuyển đến bệnh xá sư đoàn. Do vết thương quá nặng nên ông Tứ phải điều trị trong 6 tháng. Sau khi chữa trị vết thương xong, ông được điều chuyển đến phòng tham mưu thuộc đơn vị huấn luyện sĩ quan pháo binh.

Vì hoàn cảnh của chiến tranh nên ông Tứ và đơn vị cũ không có bất cứ thông tin qua lại nào. Do vậy, đơn vị xác định ông đã hy sinh nên báo cáo làm giấy báo tử. Lúc ấy, mẹ ông kiên quyết không nhận giấy báo tử vì có linh cảm ông còn sống. Bởi thế, địa phương không thể tổ chức lễ truy điệu cho ông được.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27.1.1973 cũng là thời điểm gia đình ông Tứ nhận được giấy báo tử lần thứ hai của ông. Ông Tứ cho biết một phần do nhầm lẫn thông tin, còn một phần do không có liên lạc về ông nên mọi người nghĩ ông đã hy sinh. Sau đó, Sư đoàn 9 phát "Thiếp báo tin" để các chiến sĩ gửi về cho gia đình trùng với lần cô Phạm Thị Hon, Bí thư Đoàn xã Hưng Đạo đang làm công tác tư tưởng đối với gia đình ông. Vì vậy, mà lễ truy điệu ông đã được dừng lại kịp thời.

Tháng 5.1976, Hội đồng giám định y khoa xác định ông Nguyễn Xuân Tứ thương tật 41% vĩnh viễn. 1 tháng sau, ông được phục viên trở về địa phương. 

"Giữ lửa" nghề truyền thống

Với bản tính nhiệt tình, năng nổ, khi về địa phương, ông Tứ được tín nhiệm làm công tác thông tin tuyên truyền của xã rồi Bí thư Đoàn xã. Làng Xuân Nẻo vốn nổi tiếng với nghề thêu truyền thống nên ông Tứ luôn ấp ủ ý định gìn giữ, phát triển nghề này. Năm 1982, HTX Thêu Hưng Xuân - Hưng Đạo được thành lập, ông Tứ làm Chủ nhiệm kiêm Bí thư Chi bộ của HTX. Những năm sau đó là thời kỳ chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường nên HTX gặp không ít khó khăn. Đến năm 1991, HTX Thêu Hưng Xuân - Hưng Đạo giải thể.

Không nản chí, ông Tứ cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hoan vẫn tiếp tục "giữ lửa" nghề, mở cơ sở thêu truyền thống Hoan Tứ. Nhờ bạn bè giới thiệu, chắp mối, sản phẩm thêu ren của gia đình ông Tứ nức tiếng xa gần, có mặt ở cả thị trường trong và ngoài nước. Hiện cơ sở thêu của gia đình tạo việc làm cho khoảng 10 lao động ngoài 50 tuổi với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng. 

Hiện 2 người con của ông Tứ đều đã trưởng thành. Vào lúc rảnh rỗi, ông Tứ tìm niềm vui nho nhỏ từ việc chăm sóc vườn hoa, trồng rau tại nhà. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Đạo cho biết: "Ông Tứ là hội viên tiêu biểu và tích cực tham gia các hoạt động do Hội Cựu chiến binh xã, huyện phát động. Ông là tấm gương sáng về việc giữ gìn và phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ". 

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở về sau 2 lần báo tử