Trở thành tỷ phú trên đất hoang

27/05/2019 17:11

Với đức tính chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, ông Trần Đông, 71 tuổi, ở thôn Quang Khải, xã Kim Anh (Kim Thành) đã biến vùng đất trũng bỏ hoang thành khu vườn cây, ao cá trù phú.

Mỗi năm, gia đình ông Đông thu lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng từ mô hình trồng cây ăn quả và nuôi cá

Dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng

Năm 2001, xã Kim Anh có chủ trương quy hoạch vùng chuyển đổi. Vùng đất chuyển đổi khi ấy chỉ toàn thùng vũng, đất chua bạc màu, một số người cấy 1 vụ lúa, một số chỉ trồng rau muống. Mong ước xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng từ lâu nên gia đình ông Đông quyết định ra vùng chuyển đổi để lập nghiệp.

Không có vốn, ông Đông vay mượn anh chị em trông nhà được 100 triệu đồng để đầu tư đào ao, đắp bờ, mua con giống. Vốn ít, kinh nghiệm không có nên những năm đầu gia đình ông Đông khá chật vật từ việc lựa chọn con giống đến cách chăn nuôi, chăm sóc cây, con khi dịch bệnh. Cứ thu đồng nào, gia đình ông lại xoay vòng tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo ao, chuồng.

Để mở rộng khu vườn, ông Đông dùng đất canh tác của gia đình ở khu đồng trong đổi cho các hộ có đất ở khu ngoài vùng. Rồi ông thuê thợ đào ao, đắp bờ, cả nhà dồn hết sức lực vào xây dựng chuồng trại. Cứ thế đến nay, diện tích khu chuyển đổi của gia đình ông Đông rộng hơn 28.000 m2, trong đó có 3 ao thả cá to rộng khoảng 15.000 m2, còn lại là vườn cây ăn quả, tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng.

"Ban đầu, theo phong trào tôi cũng thả các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, nuôi thêm lợn, gà, vịt. Nhưng sau vài vụ, tôi thấy những vật nuôi này rất dễ bị dịch bệnh, chưa kể được mùa thì giá lại thấp, thường bị thương lái ép giá. Đỉnh điểm là trận rét năm 2014, cả 3 ao cá của gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề. Vì vậy, tôi quyết định tìm hiểu giống cá khác để thay đổi và tìm loại cây trồng cho thu hoạch rải rác, tránh rơi vào mùa cao điểm dễ bị mất giá", ông Đông kể. Sau nhiều lần tìm kiếm, học hỏi, gia đình ông Đông chuyển sang nuôi cá rô đồng và trồng giống cây mít Thái, mít dai, bưởi da xanh, bưởi năm roi, dưới các gốc cây, còn trồng thêm nhiều loại rau xanh cho thu hoạch hằng ngày. Ngày nào khu vườn nhà ông Đông cũng cho thu hoạch, khi thì rau, khi thì mít, bưởi. Đến vụ thu hoạch cá, thương lái vào tận nơi thu mua. Mô hình nuôi cá, trồng cây ăn quả của gia đình ông Đông cho thu lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng mỗi năm.

Chia sẻ cùng cộng đồng

Điều đáng quý ở người nông dân Trần Đông này không chỉ là đức tính cần cù, ham học hỏi, vượt khó vươn lên mà còn là sự sẻ chia với mọi người. Phải mất khá nhiều thời gian để tính toán việc nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp, nhưng ông Đông lại sẵn sàng chia sẻ cho mọi người kinh nghiệm của mình. Ông còn cung ứng thức ăn trả chậm, lo đầu ra cho sản phẩm của các hộ cùng nuôi cá rô đồng. "Nếu tự mua thức ăn chăn nuôi ở các đại lý thì mức chiết khấu không được cao, tôi đã nhập trực tiếp từ các nhà máy nên giá rẻ hơn rất nhiều. Các hộ quanh vùng cũng chăn nuôi nên tôi tiện nhập về thì lấy luôn cho mọi người", ông Đông vui vẻ nói. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, các gia đình mới phải thanh toán tiền thức ăn cho ông. Rồi khi thu hoạch cá, ông Đông lại liên hệ với thương lái về thu mua luôn cho các hộ trong vùng chuyển đổi. 

Chỉ tay về phía con đường bê tông dẫn vào khu chuyển đổi của gia đình ông Đông, ông Trần Văn Uy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Anh cho biết: "Con đường dài khoảng 400 m, rộng 3,5m có kinh phí xây dựng khoảng 270 triệu đồng này là do gia đình ông Đông bỏ tiền ra làm. Từ ngày có con đường này, không chỉ gia đình ông Đông mà các hộ xung quanh, rồi bà con ra đồng thuận tiện hơn rất nhiều".

Mặc dù công việc bận rộn nhưng ông Đông luôn nhiệt tình tham gia công việc của thôn xóm. Suốt 16 năm liền ông làm Trưởng Ban công tác mặt trận của thôn nên mọi việc vui buồn của bà con trong thôn ông đều biết. Ông từng là hòa giải viên tích cực trong nhiều vụ việc của thôn xóm. "Ông Đông là hội viên tích cực của Hội Nông dân xã. Những đóng góp của ông Đông vừa phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, vừa thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông Đông luôn được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh", ông Uy cho biết thêm.

Dù ở tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, nhưng với ông Đông mỗi ngày được lao động, được chăm sóc vườn tược là một ngày vui.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở thành tỷ phú trên đất hoang