Đến đầu giờ chiều, đoàn cựu chiến binh đã đến được nghĩa trang Vị Xuyên trên đất Hà Giang. Tất cả lặng đi, không ai nói với ai lời nào trước những tấm bia vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ CHƯA BIẾT TÊN”.
Cứ bốn giờ sáng là trong xóm lại vang lên tiếng chày giã bánh “cắc bụp, cắc bụp”. Ai đó lỡ tỉnh giấc lại lẩm bẩm: “Ông Thành giã bánh là sắp sáng rồi đây”. Họ không ngủ thêm nữa. Những căn bếp sáng dần lên, họ nấu nướng, đun nước pha trà, lát còn ra đồng cho kịp. Đâu đó có tiếng chồng nhắc vợ, tiếng mẹ bảo con nhớ sang ông Thành mua lấy ít bánh dày. Bánh dày ông Thành ngon có tiếng. Nó không phải loại bánh dày làm từ bột bán đầy ngoài chợ. Nó là thứ bánh dày được giã theo kiểu truyền thống của vùng đất Tổ. Gạo nếp ngon sau khi ngâm thì mang đồ xôi chín. Sau đó mang đi giã thật nhuyễn, quyện lại với nhau rất mịn màng. Nghe thấy đơn giản nhưng công việc giã bánh dày cần nhiều sức lực. Người giã bánh vừa khỏe, vừa kiên trì lại phải có kỹ thuật giã thật đều tay. Ngày trước bánh dày thường chỉ có trong Tết cơm mới. Lúc ấy lúa dưới đồng vừa mới gặt về. Mẻ gạo nếp đầu tiên sẽ được mang giã bánh để dâng lên ban thờ thắp hương cho ông bà tổ tiên. Nhưng nhờ có ông Thành mà dân làng được ăn bánh dày quanh năm. Người ta thường gọi là “bánh dày ông cụt” như một thương hiệu của vùng. Bởi ông Thành là thương binh, bị cụt mất một chân trong chiến dịch biên giới. Ông trở về quê, lấy vợ, loay hoay tìm kế mưu sinh. Vốn chất lính không ngại khó, ngại khổ, ông từng làm nhiều việc để nuôi sống gia đình. Nhưng hơn chục năm trở lại đây ông đã gắn bó với nghề giã bánh dày.
Bánh dày ngày nào cũng bán nhưng có những hôm muốn mua cũng không có. Khách đông, giã được mẻ bánh mất vài tiếng đồng hồ nên ai thích ăn phải dặn trước để ông còn liệu mà xôi gạo. Bánh dày được ông Thành làm sạch sẽ, trắng mịn, ăn kèm muối lạc giã to là nhất. Cắn miếng bánh vào miệng là thấy được cái thơm dẻo của gạo nếp ngon, béo bùi của lạc. Ai đó bảo: “Thế này mới đúng là bánh dày dâng vua Hùng, chứ bánh bán ngoài chợ ngào từ bột làm sao có thể sánh bằng”. Đông khách là vậy mà các con ông chẳng đứa nào muốn giữ nghề. Chúng bảo: “Cực lắm, thiếu gì việc để làm”. Cánh đàn ông đến mua bánh, chờ lâu sốt ruột nhảy vào giã hộ, được một lúc là rã rời tay. Ông Thành cười khà khà bảo: “May quá trời cho cái nghề kiếm cơm, khỏi phải cạnh tranh ai”. Vợ ông nhỏ thó, nhanh thoăn thoắt. Chồng ngồi một chỗ giã bánh, vợ ngược xuôi đồng áng, chợ búa, bếp núc mà lúc nào cũng đon đả tươi cười. Ai cũng bảo số ông hên, thương binh trở về làng lấy được cô vợ rõ là tốt tính, hay lam hay làm, yêu thương chồng con hết mực. Còn bà Hạnh thì luôn nghĩ mình mới là người may mắn, lấy được tấm chồng tử tế. Ông tuy là thương binh nhưng chưa khi nào ngại khó, ngại khổ. Nhiều đêm nằm nhớ lại ngày xưa, bà càng thêm thương ông nhiều hơn. Hồi mới lấy nhau, căn nhà cũ bố mẹ ông để lại đã sụp đổ sau một cơn bão lớn. Vườn tược rậm rạp, nhà cửa tan hoang. Ông chống đôi nạng gỗ đi trên đống đổ nát bới tìm những gì còn sót lại. Nhưng chẳng còn thứ gì đáng giá ngoài bát hương tổ tiên và mấy chiếc nồi sứt quai. Nhờ làng xóm láng giềng chung tay góp sức, ông bà dựng được ngôi nhà che mưa che nắng.
Hồi ấy nhà lợp lá cọ, tường đất trộn rơm, xung quanh cây cối cằn cỗi. Mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" nắng đến bỏng rát chân người. Chống đôi nạng gỗ ra sân, ông Thành nheo mắt nhìn chỉ thấy chang chang nắng đổ. Ông ra xã xin cấp đất trồng rừng. Ngày ấy, đất hoang hóa nhiều, chỉ sợ chẳng có sức người. Ngày nào vợ chồng ông cũng ở trên rừng từ sáng đến tối mịt mờ. Bữa trưa mang theo gói cơm độn sắn chấm với muối vừng, đeo bên hông cái bi đông đựng nước mang về sau cuộc chiến. Những lúc mệt mỏi nằm vật ra rừng mở bi đông uống nước, ông lại nhớ về đồng đội của mình. Một thời đạn bom khói lửa chia nhau từng gói lương khô, từng hụm nước cuối cùng. Biết bao người đã chọn hứng mũi đạn, mảnh bom để nhường cho đồng đội của mình cơ hội sống. Nước mắt ông cứ lặng lẽ chảy ra khi nghĩ đến những người đã nằm xuống. Ai đã được đưa về đất mẹ? Ai chưa? Riêng ông đã để lại nơi biên giới một bên chân và mang về sau cuộc chiến một mảnh đạn còn nằm ở trong đầu.
Trong những đêm trăng thanh gió mát, ngồi ngoài sân nghe tiếng hoa cau rụng, ông hay kể bà nghe chuyện ở chiến trường. Có lần ông kể:
- Bà biết ngày ấy trong những giấc ngủ thấp thỏm tôi từng mơ thấy gì không?
- Ông mơ ngày chiến thắng được trở về quê nhà với mẹ đúng không? Hay là mơ thấy hình bóng cô nào?
- Ôi dào! Lúc ấy còn nghĩ được đến cô nào chứ. Nửa đêm đói bụng cồn cào, cơn đói tìm vào tận giấc mơ. Tôi thấy mình ngồi trong bếp nhà mẹ, bên cối đá. Mẻ bánh dày được đổ ra lá chuối vẫn còn nóng hổi. Tôi ăn lấy ăn để đến nghẹn không thở được. Thế là tỉnh giấc. Lúc choàng tỉnh dậy giữa rừng lạnh vắng, tôi vừa vui lại vừa hụt hẫng. Vui khi thoát được miếng bánh mắc nghẹn trong cổ họng. Nhưng cũng buồn quá khi miếng bánh dày thơm ngon ấy hóa ra chỉ là một giấc mơ. Lúc ấy, cả không gian yên ắng đến ghê người. Đó là sự im lặng trước cuộc chiến. Không bao lâu sau thì tiếng đại bác từ bên kia biên giới đồng loạt nổ vang rền. Đồng đội của tôi nhiều người đã ngã xuống trong trận chiến hôm đó. Tôi chưa kịp kể cho họ về giấc mơ của mình. Giấc mơ về những chiếc bánh dày trắng mịn, thơm ngon.
Mấy năm trở lại đây, một vài đồng đội cũ đã tìm cách liên lạc với ông. Khỏi phải nói ông vui đến mức nào. Buổi tối sau bữa cơm, ông thường pha ấm trà ra ngồi ngoài sân hóng gió. Thời đại internet có khác, tiện đủ đường. Thằng con mua cho ông cái điện thoại thông minh, lập hẳn một tài khoản Zalo. Thế là tối nào ông cũng gọi cho ai đó chuyện trò rôm rả. Lúc thì gọi cho đứa con gái ở xa để nói chuyện với mấy đứa cháu ngoại. Lúc thì gọi hỏi thăm họ hàng để bàn chuyện mồ mả, giỗ chạp. Cũng có khi ông gọi cho bạn chiến đấu cũ của mình hỏi han chuyện gia đình, công việc làm ăn. Thỉnh thoảng, đang cười nói đó mà ông chợt lặng đi khi bạn nhắc đến tên một người đồng đội cũ. Họ đã cùng hàng ngàn liệt sĩ khác nằm lại trên chiến trường Vị Xuyên - nơi từng được coi là “lò vôi thế kỷ”.
Những ngày tháng 7 hằng năm, ông Thành thường tâm tư ít nói. Sáng nay ông bảo vợ:
- Bà này, mấy hôm nữa chắc tôi đi xa một chuyến.
- Ông định đi đâu? Chân cẳng thế này thì đi đâu xa được?
- Đi được hết, có gì mà phải ngại. Tôi cùng các bạn chiến đấu lên thăm lại chiến trường năm xưa. Bao năm anh em mới liên lạc được với nhau. Tôi sợ nếu lần này không đi, sau này càng khó đi hơn bà nó ạ.
Mấy đêm trước hôm đi, ông không tài nào ngủ được. Bà hỏi có cần phải chuẩn bị gì không? Ông cười bảo: “Đời lính cứ khoác cái ba lô lên vai là đi”. Chiếc ba lô là của thằng con trai lúc ra quân tặng lại cho ông. Chiếc mũ cối thì bà mới mua ngoài chợ. Chiều hôm trước, ông dặn bà chọn mấy cân gạo nếp ngon nhất mang ngâm. Sáng hôm đó, ông bà dậy thật sớm, đồ xôi, lau sạch cối chày, ông bắt đầu giã bánh. Dân làng thức giấc lẩm bẩm: “Quái, sao hôm nay sáng nhanh thế nhỉ? Chưa kịp nằm đã sáng”. Họ quờ chiếc điện thoại trên đầu giường, dụi mắt nhìn, ngạc nhiên bảo: “Sao mới có 2 giờ sáng? Ông Thành làm gì mà giã bánh sớm thế này không biết?”. Hôm ấy bánh không có để bán cho dân làng như mọi khi. Ông Thành dậy sớm giã bánh là bởi có việc đặc biệt quan trọng. Từng mẻ bánh giã xong được vợ ông gói cẩn thận trong bọc lá chuối. Bảy giờ sáng, chuyến xe khách đầu tiên ở ngã ba huyện đã chở ông Thành cùng chiếc ba lô lên đường. Trong chiếc ba lô ấy không có gì ngoài những chiếc bánh dày do tự tay ông giã mang lên thắp hương cho đồng đội của mình. Dọc đường đi, điện thoại đổ chuông liên tục. Bà ở nhà gọi hỏi ông đi đến đâu rồi. Con trai gọi nhắc ông đi đường cẩn thận, tiền nong nhớ cất kỹ. Bạn chiến đấu gọi nhắc ông nhớ chờ nhau ở điểm hẹn trước khi cùng lên với Vị Xuyên. Lòng ông cứ nôn nao khó tả. Nằm ngả đầu vào cửa kính xe, ký ức dập dềnh trôi trong tâm trí ông…
Đến đầu giờ chiều, đoàn cựu chiến binh đã đến được nghĩa trang Vị Xuyên trên đất Hà Giang. Tất cả lặng đi, không ai nói với ai lời nào trước những tấm bia vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ CHƯA BIẾT TÊN”. Nắm nhang lập lòe trên tay, gió Vị Xuyên thổi cay mắt người. Những tấm bia mộ xanh màu rêu phủ, lá cờ đỏ và vài bông hoa nhựa cũng bạc đi theo thời gian. Ai đó vừa đặt lên trên mộ một bông cúc vàng tươi. Ai đó vừa thắp lên những nén nhang còn ấm. Đoàn cựu chiến binh chia nhau đi thắp hương cho từng hàng bia mộ. Họ vỡ òa xúc động khi nhìn thấy những cái tên quen thuộc. Đây là Tùng, quê ở Tuyên Quang, có cái nốt ruồi đỏ trên bả vai, tính tình hài hước, từng hứa nếu còn sống sau cuộc chiến sẽ gả em gái cho ông. Đây là Hoàng, người nhỏ nhưng nhanh như sóc, hát hay, từng khoe có người yêu chờ đợi trở về. Đây là Huy, người vừa hôm trước còn cõng ông trên lưng khi ông bị thương nát một bên chân. Ấy vậy mà ngay hôm sau Huy đã hy sinh, nằm lại mảnh đất này. Đây là Đức, là Long, là Bạc… Ông hực lên một tiếng, nước mắt ướt nhòe. Lấy từ ba lô ra những chiếc bánh dày, ông thắp nén hương mời bạn thứ thảo thơm của đồng ruộng quê nhà. Ông muốn kể với đồng đội về cái nghề mà mình làm để kiếm sống mỗi ngày. Kể về những vui buồn sau cuộc chiến. Muốn kể với nhau biết bao điều mà cứ nghẹn lại trong cổ họng...
Ngày hôm sau, ông Thành cùng các cựu chiến binh từ biệt Vị Xuyên. Ông mang trọn bao cảm xúc của chuyến đi này để trở về nhà. Trở về với nghề giã bánh dày “cắc bụp, cắc bụp” mỗi ngày…
Truyện ngắn củaVŨ THỊ HUYỀN TRANG