Thời gian qua, với những biện pháp quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc chủ động của chính quyền địa phương, nhiều điểm nóng về khai thác cát trái phép đã dần "hạ nhiệt".
Chòi canh "cát tặc" của người dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân (Nam Sách)
Điểm nóng... bớt nóng
Gần 22 giờ một ngày cuối tháng 7 âm lịch, bãi sông thôn An Phú, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) chìm trong màn đêm đen kịt. Sau vụ thu hoạch ngô, bãi sông đã được người dân dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị cho vụ cà rốt cuối năm. Đang mùa lũ, nước sông lên cao theo gió heo may đầu mùa đánh oàm oạp vào chân bãi. Một khung cảnh tĩnh lặng, êm đềm hiếm có trên bãi sông này vì mới vài tháng trước, cuộc chiến chống “cát tặc” ở đây còn diễn ra gay go, phức tạp. “Cách đây vài tháng, gần như đêm nào cũng có tàu vào hút trộm cát. Đêm nào nhiều thì 6 - 7 tàu, đêm nào ít cũng 2 - 3 tàu. Có đêm, cả 4 tàu vào hút cùng một lúc gây náo loạn cả khúc sông”, anh Trần Văn Tiến, tổ viên tổ chống khai thác cát trái phép (KTCTP) xã Đức Chính nhớ lại.
“Cát tặc” hoành hành, bãi sông liên tục sạt lở mà không có cách nào ngăn chặn được làm cho lòng tin của người dân đối với cuộc chiến chống “cát tặc” vì thế cũng vơi đi phần nào. “Cuộc chiến chống “cát tặc” thời điểm đó thực sự rất vất vả, nguy hiểm. Mặc dù UBND xã đã trang bị ca nô cho tổ chống KTCTP nhưng việc tiếp cận phương tiện của “cát tặc” lại không hề dễ dàng. “Cát tặc” sử dụng vòi rồng, chai lọ, gạch đá để chống trả, không cho chúng tôi lên tàu. Bản thân tôi đã 4 lần bị vòi rồng phun bật trở lại ca nô. Có người trong tổ còn bị ném chai bia vỡ cả mũ bảo hộ. Việc bắt giữ, xử lý khó khăn nên các đối tượng KTCTP có lúc như ngang nhiên thách thức chính quyền và người dân”, anh Tiến cho biết thêm.
Đứng trên đê tả sông Thái Bình nhìn sang, bãi soi Thanh Hải - Đại Đồng rộng mênh mông được che phủ bởi màu xanh mướt mát của chuối, nhãn, vải. Sông Thái Bình đang mùa lũ, nước sông đục ngầu chảy cuồn cuộn xoáy vào chân bãi. Ông Nguyễn Đức Tới, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải (Thanh Hà) cho biết bãi soi nằm giữa sông Thái Bình, thuộc địa bàn của 2 xã Thanh Hải và Đại Đồng (Tứ Kỳ) có diện tích lên tới gần 200 ha, trong đó xã Đại Đồng được giao quản lý 77 ha, xã Thanh Hải quản lý 120 ha. Là bãi bồi giữa sông, bao đời được phù sa sông Thái Bình bồi đắp tạo nên một lớp phù sa màu mỡ. Vì vậy, từ lâu bãi soi này trở thành miếng mồi ngon để các đối tượng KTCTP nhòm ngó, xâu xé. Chỉ trong vài năm, gần 30 ha đất bãi của cả hai xã Thanh Hải, Đại Đồng đã trôi sông trước sự xót xa của người dân và chính quyền địa phương. Lợi dụng đêm tối, cách trở đò giang, các phương tiện KTCTP như những bóng ma lượn lờ trên sông chờ cơ hội lao vào "xẻ thịt" bãi soi.
"Có những thời điểm, gần chục phương tiện của “cát tặc” quần thảo suốt đêm trên khúc sông này. Do chúng hoạt động không theo bất kỳ quy luật nào cộng với lực lượng của địa phương mỏng, phương tiện thiếu nên việc phát hiện, tiếp cận, bắt giữ, xử lý các đối tượng KTCTP rất khó khăn", ông Nguyễn Tiến Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng nhớ lại.
Hơn một năm nay, người dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân (Nam Sách) không còn phải nơm nớp trong nỗi lo mất trắng hoa màu vì sạt lở đất bãi. Đây từng là một điểm nóng về KTCTP, đoạn sông Thái Bình qua xã đã có 2 tàu "cát tặc" bị đánh chìm. Thế nhưng từ tháng 5.2017 đến nay, khi Đội nhân dân tự quản phòng chống KTCTP của thôn được thành lập thì "cát tặc" không còn đất sống ở đây. Đối với 30 thành viên của đội tự quản, những đêm mất ngủ vì "cát tặc" cũng đã thưa thớt hơn. Có mặt tại cánh đồng của thôn Tân Thắng ven sông Thái Bình, trên các con đường nội đồng, chúng tôi không còn thấy những đống gạch đá, vỏ chai để ném tàu hút cát nằm rải rác như trước. Người dân dường như cũng dần yên tâm canh tác ở những thửa đất sát mép sông mà không sợ bị "cát tặc" hút trôi. Chính sự quyết liệt của người dân trong thôn mà "cát tặc" phải dè chừng. Một số tàu hút cát bén mảng đến đều bị đội tự quản đuổi, đẩy kịp thời.
Cần phòng chống thường xuyên
Lực lượng chống khai thác cát trái phép của xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) thường xuyên tuần tra, canh gác nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm
Trong căn chòi nhỏ giữa bãi sông, các tổ viên tổ chống KTCTP của xã Đức Chính quây quần bên ấm trà nóng trong cơn gió lạnh đầu mùa. Câu chuyện của mọi người vẫn xoay quanh những khó khăn, vất vả của công tác phòng chống KTCTP trên địa bàn xã thời gian qua. Ông Hoàng Đức Chư, Chủ tịch UBND xã Đức Chính trầm ngâm: "Gần hai tháng nay, các thành viên tổ chống KTCTP của xã mới cảm thấy dễ thở hơn một chút. Những đêm mất ngủ triền miên vì canh “cát tặc” đã thưa dần. Chính sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng của xã, huyện với các cơ quan chuyên môn của tỉnh nên tình trạng KTCTP đã chấm dứt. Các đối tượng KTCTP không dám bén mảng đến khúc sông này nữa. Người dân cảm thấy an tâm hơn trong sản xuất, tin tưởng hơn vào chính quyền địa phương". Anh Trần Văn Tiến, tổ viên tổ chống KTCTP xã Đức Chính chia sẻ thêm: "Việc bắt giữ, xử lý các đối tượng và phương tiện KTCTP được làm quyết liệt và hiệu quả hơn nên chúng tôi cũng an tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Công việc trực đêm vẫn thực hiện đều đặn nhưng mỗi khi có tàu khai thác trộm cát, chúng tôi không cảm thấy bất lực như trước nữa". Tuy nhiên, anh Tiến cho rằng công tác phòng chống KTCTP cần duy trì thường xuyên, liên tục mới bảo đảm hiệu quả bền vững. "Các cấp chính quyền cần tránh tình trạng triển khai chiến dịch một cách hình thức. Nếu không duy trì thường xuyên, liên tục, các đối tượng KTCTP sẽ hoạt động trở lại khi có cơ hội. Lúc đó, công sức của chính quyền các cấp sẽ đổ sông, đổ bể", anh Tiến nói.
Ông Phạm Văn Hiển, Trưởng thôn Tân Thắng, xã Thái Tân (Nam Sách) cho biết: "So với một năm trước, các tàu KTCTP không còn ngang nhiên hoạt động nên người dân cũng phấn khởi, yên tâm hơn. Nhưng không vì thế mà chúng tôi chủ quan". Hiện nay đội tự quản vẫn phân công mỗi đêm 2 người trực ở chốt để kịp thời phát hiện tàu hút cát và báo động mọi người ngăn chặn. Bất kể giờ giấc, nếu có tàu khai thác cát đến là mọi người nhanh chóng có mặt cùng nhau vây bắt. Trong đợt cao điểm phòng chống KTCTP vừa qua, Nam Sách là một trong những địa phương phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Lực lượng chức năng của huyện đã xử lý 29 trường hợp KTCTP với tổng số tiền phạt 537 triệu đồng. Cùng với xã Thái Tân, tại các tuyến sông qua địa bàn các xã Nam Tân, Minh Tân, Hiệp Cát, Cộng Hòa... vốn là những điểm phức tạp về KTCTP, nhưng nay đã giảm mạnh. Cùng với lực lượng liên ngành, Công an huyện đã tăng cường tuần tra, bố trí các cán bộ, chiến sĩ lập các chốt tại những địa bàn thường xuyên có "cát tặc" hoạt động. "Lãnh đạo Công an huyện đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu chốt nào để xảy ra tình trạng người dân báo có tàu KTCTP mà không nắm được sẽ bị xử lý, kỷ luật. Và khi phát hiện có tàu hút cát phải khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng liên ngành bắt giữ, xử lý nghiêm", đại úy Phạm Văn Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường, Công an huyện Nam Sách cho biết.
Kết thúc đợt cao điểm phòng chống KTCTP năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 92 trường hợp KTCTP, xử phạt 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn phát hiện, bắt giữ 3 vụ mua bán; 20 vụ vận chuyển cát không có nguồn gốc xuất xứ, xử phạt tổng số tiền gần 97 triệu đồng. So với đợt cao điểm năm 2017, số vụ vi phạm bị phát hiện, bắt giữ tăng 50 trường hợp.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đề án phòng, chống KTCTP, thời gian qua các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị chủ động kiểm tra, phát hiện, bắt giữ các trường hợp KTCTP. Nhiều địa phương tổ chức lực lượng ứng trực, thành lập các chốt tại những khu vực trọng điểm để phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và bắt giữ các trường hợp KTCTP. Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan, công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện phát hiện, bắt giữ các trường hợp vi phạm. Do vậy đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống KTCTP, dần lấy lại niềm tin của nhân dân.
VỊ HOÀNG