Sau lần gặp Elena cùng nhóm bạn ở bến đò Nhân, cô gửi thư điện tử cho tôi: Bán đảo thật xinh đẹp phải không bạn.
Elena và nhóm du khách người Nga chọn Đồng Hạ là điểm đến trong chương trình du lịch khám phá
Rất thú vị. Mình yêu cái vẻ hiền hòa và tĩnh lặng gần như tuyệt đối của nó. Chỉ tiếc rằng đến Đồng Hạ nhưng chưa bao giờ được ăn vải thiều - thứ quả chỉ có ở xứ sở nhiệt đới này. Cô còn nhắn nhủ: Hãy gửi cho mình bài báo nhé. Nếu bạn viết không hết, mình sẽ... tự tay viết một bài báo khác để ca ngợi vẻ đẹp của nơi này. Elena năm nay 18 tuổi, người Nga, người mà chúng tôi gặp khi cô cùng nhóm bạn đạp xe từ Quảng Ninh về khám phá Đồng Hạ (Thanh Hà). Elena kể, Đồng Hạ không có tên trong bản đồ du lịch, song do tò mò nên cả nhóm đã quyết định tìm đến và thật thỏa mãn. Thú vị nhất là được đi trên những con đường nhỏ nhưng dài tít tắp, 2 bên có những rặng cây xanh mướt, tán lá lòa xòa. Được đi đò và xem nông dân chăm sóc vải thiều, bắt cá cũng là những trải nghiệm mới mẻ và thật tuyệt vời.
Còn với chúng tôi, dễ cũng đã gần 4 năm mới về Đồng Hạ, soi đất với hơn ba chục nóc nhà nằm chơ vơ sông nước, cách biệt hẳn với xã Hợp Đức (Thanh Hà). Soi Đồng Hạ đã từng được biết đến là một khu dân cư nắm giữ nhiều "kỷ lục buồn" nhất tỉnh: không điện, không đường, không trạm xá, không nhà văn hóa, không nghĩa địa... Ánh sáng lúc bấy giờ chỉ là đèn dầu, sang hơn thì có ắc quy thắp sáng hoặc xem ti-vi đen trắng. Mỗi ngày một bận, ắc quy lại được chuyển xuống đò để mang sang "đất liền" sạc điện. Hơn 30 năm kể từ ngày vượt sông đến khai hoang phục hóa, gần 200 người dân Đồng Hạ vẫn lầm lũi sống trong cảnh tù mù như thế. Kể cả lễ cưới cũng hiếm khi diễn ra ở bán đảo, bởi không có điện nên phải sang bên làng tổ chức. Rồi có người nằm xuống cũng phức tạp không kém. Không có nghĩa trang nên quan tài phải chuyển qua sông mang vào nghĩa trang của làng chôn cất.
Thế rồi Đồng Hạ có điện từ cuối năm 2009. Điện về, mọi sinh hoạt đảo lộn theo chiều tích cực. Nhiều đứa trẻ lần đầu tiên mới biết thế nào là tủ lạnh, ti-vi màu, quạt điện. Anh Nguyễn Văn Lai, người dân trong xóm kể: Đêm đầu tiên có điện, mấy đứa con mặc dù đã lớn, song chốc chốc lại thò tay lên công tắc tắt đi, bật lại rồi cãi nhau chí chóe. Từ ngày có điện đến giờ, cuộc sống người dân thay đổi nhanh chóng. Hơn 3 năm có điện mà đời sống đã bằng nhiều năm trước đó cộng lại. Máy móc làm thay sức người, nhất là việc đưa nước lên vườn trước đây là một công đoạn nặng nhọc nhất thì nay đã có máy bơm đảm nhiệm. Rồi việc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi cũng nhẹ nhàng hơn. Chẳng thế mà việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở đây luôn mang lại hiệu quả cao. Mấy năm nay gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh, song hầu hết các hộ dân vẫn duy trì chăn nuôi ổn định.
Cùng với việc có điện giúp cuộc sống sinh hoạt văn minh hơn, sản xuất dễ dàng hơn thì cầu Hợp Thanh nối huyện lỵ Thanh Hà với khu đảo Hà Đông được khánh thành đã giúp nông sản nơi đây không còn ùn ứ hoặc bị tư thương ép giá. Nay, vào mỗi vụ vải thiều, ô-tô từ các nơi về tận trung tâm xã mang vải đi các nơi bán. Vải ở Đồng Hạ chủ yếu là vải sớm nên được giá so với vải thiều chính vụ. Năm 2012, vải đầu vụ bán được 15 nghìn đồng/kg, thấp hơn vụ trước, song thu hoạch đến đâu bán được ngay đến đó. Đến thời điểm này, vải thiều đang đậu quả. Người dân cho biết, theo kinh nghiệm thì vải thiều năm nay tiếp tục có một mùa bội thu. Nhiều vải thiều nhất ở khu Đồng Hạ bây giờ phải kể vườn nhà các ông Thật, Gan, Chuyền. Mỗi gia đình có 3 mẫu vườn trồng xen các loại rau gia vị, kết hợp chăn nuôi gia cầm. Ông Thật cho biết, vườn của gia đình mình hiện còn trồng xen sắn dây. Loại cây này ít ảnh hưởng đến vải thiều và không phải chăm sóc nhiều. Năm 2012, gia đình ông thu được gần 1 tạ bột sắn thành phẩm, với giá bán từ 80 - 100 nghìn đồng/kg.
Đời sống kinh tế ngày một phát triển, nhiều ngôi nhà kiên cố cao tầng mọc lên khiến bộ mặt nông thôn của Đồng Hạ đổi thay. Gần như toàn bộ đường xóm đã được trải bê-tông sạch sẽ. Cảnh lầy lội mỗi khi vào mùa mưa lũ trước đó không còn nữa. Con đò - phương tiện đi lại duy nhất của bà con đã được sửa sang chắc chắn. Trên đò đã được trang bị phao cứu sinh để đề phòng bất trắc. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng xóm Đồng Hạ cho biết: Do điều kiện khó khăn trước đây, có người trên khu bán đảo thậm chí không viết nổi tên mình. Nhưng con cái thì luôn được tạo điều kiện hết mức để học hành. Sáng sớm mỗi ngày, hàng chục cháu ở mọi lứa tuổi đã đứng chờ đò rồi đi bộ hơn 1km đến trường. Có cháu đã tốt nghiệp đại học, đi làm có vị trí trong xã hội.
Với điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi như hiện nay, chắc hẳn Đồng Hạ sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa.
TIẾN HUY