Trở lại Điện Biên

25/05/2012 09:30


Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ


Nhìn lên bản đồ Tổ quốc tôi hình dung vùng đất Lai Châu giống như một bàn chân tảo tần đang bám vững vào núi mà Điện Biên Phủ chính là cái gót chân đang nhẫn nại gánh toàn bộ sức nặng của cơ thể Đất nước.

Cách đây 58 năm, một tác giả người Pháp tên là Jean Pouget đã viết trong cuốn sách của ông ta: "Người ta có thể đi chữa răng ở thành phố (Hà Nội) ăn bữa trưa ở khách sạn Metropol và trở về (Điện Biên) trước bữa tối bằng chuyến Dakota cuối cùng". Thật vậy, từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ bây giờ chỉ không đầy một giờ bay nhưng cách làm văn viết báo chúng tôi lại chọn đi bằng đường bộ để cảm nhận được những sự vất vả gian truân làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Chúng tôi lên Điện Biên với niềm háo hức ấy. Ai đó trong xe đang nhẩm hát: "Qua miền Tây Bắc núi trập trùng xa" và đọc thơ Quang Dũng: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút trời mây súng ngửi trời" và "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".

Trước đây lên Điện Biên chỉ có thể theo đường số 6 từ Hòa Bình qua Sơn La hoặc đường 12 từ Phú Thọ qua Yên Bái, Lào Cai sang Lai Châu. Còn bây giờ chúng tôi đi qua Ninh Bình đến Thanh Sơn (Phú Thọ) qua đèo Cón lên Sơn La để tới Điện Biên. Đường lên Tây Bắc có vẻ đẹp hoang sơ thấp thoáng bóng sơn nữ. Trên những sườn núi các thửa ruộng lớp lớp như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo từng mùa lúa chín, thưa thớt đôi lúc xa xa một vài nếp nhà sàn mái tranh bàng bạc. Những cái tên: Cò Nòi, Pha Đin, Thẳm Phúa, Chiềng Xôm, Tằng Quái... nghe cứ như những cái tên trong Lương Sơn hảo hán.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Mường Phăng. Từ trung tâm Điện Biên đến Mường Phăng chỉ khoảng 40km. Đường vào Mường Phăng hay còn gọi là khu rừng Đại tướng ngút ngàn hoa trẩu trắng. Rừng này còn nguyên sinh có linh khí tốt, không gian mát mẻ như bước vào một cuộc du lịch sinh thái... Đường vào khu di tích lịch sử Mường Phăng đã được lát bê-tông tuy còn hẹp nhưng sạch sẽ. Đó đây những người phụ nữ Thái ngồi bán thuốc nam. Tình cờ chúng tôi gặp một đoàn khách tham quan người Pháp lên Điện Biên để dự hội thảo. Một người còn rất trẻ nghe nói là một giáo sư đại học đã sôi nổi trả lời câu hỏi của anh bạn phóng viên truyền hình đi trong đoàn qua phiên dịch:
- Ấn tượng của ông về khu rừng Mường Phăng?

- Thật tuyệt vời, rừng nguyên sinh rất xanh tốt, không khí trong lành, cảnh quan sạch đẹp. Một tướng không quân của chúng tôi đã đến thăm Mường Phăng và nói rằng: Người Pháp thua là đúng! Thua bộ giáp xanh của rừng che mắt máy bay, vũ khí hiện đại bất lực trước hoang sơ và ý chí của người Việt dẻo dai như thớ gỗ rừng, càng gió bão lớn càng xoắn, càng chắc.

Trong ký ức chúng tôi đã thuộc lòng bài học viết về anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo. Trong những ngày ngắn ngủi ở Điện Biên, tôi được gặp một nhân chứng lịch sử là ông Nguyễn Quang Thuận, một trong năm chiến sĩ Điện Biên xuất sắc nhất được Bác Hồ gắn Huân chương Chiến công trên ngực sau ngày chiến thắng lịch sử. Ông Thuận kể cho tôi nghe chuyện cứu pháo của ông cũng tương tự như trường hợp Tô Vĩnh Diện hy sinh cách đó vài ngày. Đó là những ngày kéo pháo ra chuẩn bị theo phương án "đánh chắc, tiến chắc". Khẩu pháo nặng 2,4 tấn được buộc chặt với tời quay bằng gỗ. Trên trăm người bám lấy dây chảo mà kéo pháo lên hoặc ròng xuống. Pháo cao xạ có 4 bánh xe, hơi chệch hướng là có thể gây ra nguy hiểm. Tôi khỏe nhất khẩu đội nên được giao nhiệm vụ lái càng khẩu pháo, 4 chiến sĩ cầm chèn gỗ, bám sát từng bánh xe, giữ cho khẩu pháo nhích dần xuống dốc. Đang lúc đến đoạn hiểm trở nhất, có tiếng thét từ đỉnh dốc: "Dây tời tuột rồi! Dây tời tuột rồi!". Cỗ pháo bắt đầu lao nhanh. Hai dòng người bám chặt hai sợi dây, choải chân, rạp mình cố sức ghìm nhưng không chặn pháo lại được. Bốn đồng chí cầm chèn pháo bị văng ra ngoài hết. Tôi cố bám chắc càng pháo nhưng vẫn bị sức nặng cỗ pháo đẩy đi. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu: "Dù có phải hy sinh như Tô Vĩnh Diện cũng phải cứu pháo!". Tôi lao theo, cố nâng càng pháo lên ngang ngực rồi lấy toàn thân làm trụ chống đẩy mạnh vào vách núi. Mắt tôi tối sầm khi cả cỗ pháo phập vào sườn núi rồi khựng lại... Bây giờ ông đang ngồi trước tôi, bộ quân phục bạc màu không gắn quân hàm sao vạch, chỉ có những tấm huân chương lấp lánh. Ông đã trở lại làm thường dân với nụ cười đôn hậu, hàm răng ám khói thuốc lào, bàn tay vậm vạp sần sùi cày cuốc. Câu chuyện của ông như một huyền thoại mà cứ kể như không, như chuyện một buổi đi thăm đồng hay một chiều cất vó bè trên bờ sông, như chuyện thường ngày ở thôn, ở xóm.

Anh hùng Phan Đình Giót quê tôi cũng là một người lính nông dân như thế. Tôi nghe kể lại rằng: Trước khi đánh trận mở màn đồi Him Lam, Tiểu đội trưởng bộc phá Phan Đình Giót còn giơ tay chào mấy anh em văn nghệ sĩ ra tận chiến hào hẹn sau chiến thắng gặp lại. Bây giờ ảnh của anh treo trong Bảo tàng Điện Biên, vẫn khuôn mặt chữ điền hồn hậu và nụ cười trẻ mãi với hơn hai mươi tuổi đời. Một đồng đội của anh kể lại: Cả thân mình lấp lỗ châu mai bịt chặt khẩu đại liên của địch đến nỗi người anh cháy đen không còn nhận được dạng được. Chỉ đến khi đồng đội móc túi áo lấy ra một tấm bìa nhỏ ghi tên: Phan Đình Giót mới biết đó là anh. Trong nghĩa trang Điện Biên anh nằm cạnh Anh hùng Trần Can. Phan Đình Giót hy sinh ngày 13-3-1954, ngày mở đầu chiến dịch còn Trần Can hy sinh ngày 7-5-1954, ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Cả nghĩa trang 640 mộ mà tấm bia nào cũng chỉ ngời lên một ngôi sao đỏ không tuổi tên, không quê quán. Chúng tôi gọi các anh bằng cái tên chung là: Chiến sĩ Điện Biên! Chiến sĩ Điện Biên mũ nan tre, dép lốp, ngủ hầm... Huyền thoại bao giờ nhuốm sắc màu lãng mạn. Hút trên vòm trời xanh trong Điện Biên, một đàn chim bay về phía núi như vong linh các anh trở lại với rừng. Mỗi ngôi mộ là một phím đàn trắng trong bản hợp âm (hay phúc âm của phục sinh) của sự sống.

Vào thăm Bảo tàng chiến thắng ở Điện Biên, tôi ngẩn ngơ trước chiếc xe đạp thồ cõng trên mình những chiếc bì gạo tròn căng. Một nhà báo Pháp đã ví những chiếc xe đạp thồ này là "dòng sông sắt huyền thoại". Ông viết: Trong cuộc tranh cãi vì sao Pháp thua trận sau này, không ít tướng tá Pháp đã đổ tội cho việc chưa hề có binh thư nào của phương Tây đề cập đến các kỹ thuật kém hiện đại ấy. Lấy xe đạp của người Pháp cải tiến thành xe vận tải không động cơ là phát triển kỳ diệu của người Việt Nam. Từ tháng 12-1953 cho tới hết chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 20 nghìn  xe đạp thồ cõng trên mình từ 200-400 kg như những dòng sông nhỏ chảy len lỏi quanh co ở khắp núi rừng Tây Bắc. Phương tiện vận tải thô sơ này được điều khiển bởi những con người ăn không đủ no, ngủ trên những mảnh nilon trải trên mặt đất đã đạt tốc độ cao hơn cơ giới. Tôi đã được gặp tại Điện Biên Phủ một trong những kiện tướng chở hàng ngày ấy là ông Kim Chung hiện là một chủ tiệm vàng bạc lớn nhất thị xã Thanh Hóa. Chiếc xe đạp của ông mang ở nhà đi, được gia cố lại, khung thì gá mấy thanh sắt chủ lực để có thể chất hàng nặng. Nan hoa bánh xe nhỏ thì thay bằng cỡ lớn. Một đoạn tre nối dài ghi - đông để có chỗ nắm. Phanh xe cũng được chuyển ra phía sau cho tiện bởi khi đi đêm một tay phải điều khiển ghi - đông, một tay cầm đuốc soi đường. Đoạn từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ mỗi đêm xe thồ có thể đi được 25km trong khi ô-tô chỉ nhích được 15km. Ngoài chở lương thực và súng đạn, xe đạp thồ còn chở cả thương binh. Mỗi tổ xe thồ có 3 người để bảo đảm cho xe lên và xuống những con dốc cheo leo. Đêm đi, ngày nghỉ, bữa ăn thường chỉ có cơm và cá khô, mỗi tiểu đội có máng nứa đựng canh hôm thì bí đỏ hôm thì rau cải. Nhưng nhiều bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ như cháo pha loãng với muối và chút mỡ gọi là "canh đậu toàn quốc".

Chợt vang lên trong tôi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng" đã kết thành vòng hoa 5 màu sắc: Thanh (xanh), Hồng, Lam, Trắng và Vàng, đó cũng chính là vòng hoa của Điện Biên kính dâng lên hương hồn của các liệt sĩ.

Điện Biên hôm nay có nhiều đặc sản: rượu chít, măng đắng, thổ cẩm đủ sắc màu và đặc biệt là gạo thơm Điện Biên, thứ gạo mang tên IR 64 vừa dẻo vừa bùi. Ở đây có một đặc sản vô cũng quý báu vừa hoang sơ vừa thấm đậm tình người, đó là ai cũng mến khách. Xe máy, xe đạp buổi tối người dân cứ để ngoài hiên chỉ kéo cánh cổng lại. Đêm cuối cùng trước khi rời Điện Biên chúng tôi được giao lưu với đội văn nghệ bản Ten cách trung tâm thành phố chưa đầy một cây số. Những cần rượu vít cong, khuôn mặt ửng hồng của cô gái Thái trong bộ váy áo truyền thống. Ngày đi làm nương, tối ra sân khấu  say sưa múa hát, say sưa chúc rượu.

Xa rồi Điện Biên nhưng có một Điện Biên giăng mắc ở bên lòng. Tuy không được gặp hoa ban nhưng trong ký ức của tôi vẫn có những cánh ban mỏng tang, trắng muốt đón mình như người bạn cũ, bền bỉ thủy chung gắn bó với đất đai sông núi nơi này. Vì theo cách nói của người Thái: "Đũa cong không ăn được/ Bụng cong không ở được".

BÚT KÝ CỦA NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở lại Điện Biên