Trò hề ở Campuchia

29/07/2018 15:21

Đây không phải vì ông Hun Sen vượt trội hơn đối thủ mà là vì ông hoàn toàn không có đối thủ trong cuộc bầu cử, bởi vì đối thủ đã bị “trừ tận gốc”.


Thủ tướng Campuchia đồng thời là Chủ tịch CPP Samdech Techo Hun Sen đi bầu tại điểm bỏ phiếu ở thành phố Ta Khmau, tỉnh Kandal

Theo trang mạng www.hk01.com (Hong Kong), dư luận bên ngoài nhận định Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do Thủ tướng Hun Sen làm chủ tịch sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 29.7 và ông Hun Sen sẽ tiếp tục liên nhiệm. Tuy nhiên, đây không phải vì ông Hun Sen vượt trội hơn đối thủ mà là vì ông hoàn toàn không có đối thủ trong cuộc bầu cử, bởi vì đối thủ đã bị “trừ tận gốc”.

Tham dự cuộc vận động bầu cử vào ngày 27.7, ông Hun Sen cho biết đã thông qua các hành động pháp luật để “tiễu trừ tận gốc” những “kẻ phản bội” có âm mưu lật đổ chính quyền. Ông khẳng định: “Nếu chúng ta không tiêu diệt chúng bằng bàn tay sắt, Campuchia đến nay sẽ rơi vào tình trạng chiến tranh”. Ông Hun Sen cam kết nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử lần này, ông sẽ tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định tại Campuchia. Ông kêu gọi: “Chúng ta là những người dân đứng lên trong máu và nước mắt, không có hòa bình sẽ không có phát triển, bỏ phiếu cho CPP sẽ bảo đảm cho hòa bình và thịnh vượng của đất nước”.

Campuchia từng trải qua thời kỳ Khmer Đỏ và cuộc nội chiến, mãi đến thập niên 1990 mới dần theo xu hướng ổn định. Năm 1993, Campuchia tổ chức tổng tuyển cử, với chiến thắng thuộc về đảng Funcinpec. Sau đó, đảng CPP do Hun Sen lãnh đạo đã phát động cuộc đảo chính, giành được quyền kiểm soát Quốc hội và ông trở thành thủ tướng, đảng Funcinpec buộc phải cùng với CPP thành lập chính phủ liên minh.

Sau đó, CPP nhiều lần giành chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử, việc Hun Sen giữ chức thủ tướng trong thời kỳ dài dần khiến giới chính trị gia và người dân bất mãn. Đảng Sam Rainsy và đảng Nhân quyền – các đảng phái chủ trương ủng hộ chủ nghĩa tự do, đã hợp sức thành Đảng Cứu quốc Cứu quốc Campuchia (CNRP, hay còn gọi là đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia) vào năm 2013 để thách thức Hun Sen. Trong cuộc bầu cử năm đó (2013), CNRP giành được 55 ghế, trở thành đảng lớn thứ hai ở Campuchia, chỉ kém vài ghế so với đảng CPP cầm quyền. Năm 2017, chính phủ do CPP cầm quyền đã khởi kiện lên Tòa án tối cao, cáo buộc CNRP thông đồng với Mỹ, âm mưu lật đổ chính quyền, kết quả CNRP đã bị buộc phải giải tán.

Các ghế do CNRP để lại được phân chia cho đảng Funcinpec và các đảng chính trị nhỏ khác, do đó đối thủ của CPP trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 29.7 chỉ là đảng Funcinpec liên minh với chính phủ, chính vì điều này nên dư luận bên ngoài đa số cho rằng cuộc bầu cử lần này thực sự là một “trò hề”. CPP không thể thất bại trong cuộc bầu cử lần này và ông Hun Sen sẽ gần như chắc chắn tái đắc cử.

Sự “đàn áp” của chính phủ đối với các đảng đối lập không chỉ ở cấp độ chính trị mà còn về mặt xã hội. Đài CNN dẫn lời một quan chức địa phương giấu tên cho biết rằng thái độ chính trị của người dân sẽ trở thành một phần của việc sàng lọc: “Thí dụ nộp các giấy tờ liên quan mua bán hoặc kết hôn, nếu chính quyền biết bạn ủng hộ phe đối lập, các giấy tờ đó sẽ bị trả lại ba, bốn lần”, “Họ sẽ trực tiếp gây sức ép với gia đình của bạn, nếu bạn không nghe, bạn thậm chí có thể chuốc lấy tai họa”.

Vào năm 2016, Kem Ley, một nhà bình luận chính trị nổi tiếng thuộc phe đối lập đã bị bắn chết. Một người đàn ông đã bị bắt sau khi thừa nhận liên quan vụ án do tranh chấp nợ nần. Tuy nhiên, dư luận bên ngoài phân tích cho rằng vụ giết người bằng súng này là một vụ ám hại “có mùi chính trị”, và mục đích là để loại bỏ sự phản ứng từ dư luận. Vào thời điểm đó, nhiều người lên tiếng ủng hộ phe đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ.

Chính phủ Hun Sen trong nhiều năm thực sự đã tái thiết xã hội Campuchia, giúp nền kinh tế Campuchia phát triển ổn định đi lên, nhưng vấn đề cách biệt giàu nghèo vẫn rất nghiêm trọng. Theo báo cáo của tổ chức quốc tế Global Witness, tài sản của đất nước chủ yếu tập trung trong tay của Hun Sen và các doanh nghiệp ủng hộ ông.

Sam Rainsy, cựu lãnh đạo đảng CNRP hiện đang lưu vong ở Pháp cáo buộc ông Hun Sen đang hủy hoại nhân quyền và dân chủ do mình một tay gây dựng: “Hun Sen thô bạo khi giải tán đảng đối lập hợp pháp duy nhất trong nước, cuộc bầu cử lần này ông ta không hề có đối thủ, cho dù ông ta có chiến thắng cũng rất nực cười”.

Các nước như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố ngừng hỗ trợ cho cuộc bầu cử lần này, các tổ chức quốc tế khác mặc dù vẫn cử quan sát viên, nhưng Nhật Bản - nhà tài trợ lớn nhất đối với Campuchia, đã tuyên bố không cử quan sát viên đến theo dõi cuộc bầu cử. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, quyết định này liên quan đến việc giải thể đảng đối lập lớn nhất ở Campuchia. Bà Kanae Doi, Giám đốc phụ trách Nhật Bản của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chính phủ Nhật Bản cuối cùng đã nhận ra một thực tế rằng không đáng để lãng phí thời gian và danh dự cử quan sát viên đến quan sát cuộc bầu cử lần này ở Campuchia”. Các quan sát viên quốc tế có thể bị Campuchia sử dụng như công cụ tuyên truyền của chính phủ nước này.

HỒNG VÂN (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trò hề ở Campuchia