Theo nhà phân tích Mandeep Singh của Bloomberg Intelligence, nếu việc rao bán diễn ra, Chrome sẽ có giá trị ít nhất 15-20 tỷ USD, với hơn 3 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng.
Alphabet Inc. có thể phải bán trình duyệt Chrome với giá lên đến 20 tỷ USD nếu thẩm phán chấp thuận đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong việc kiểm soát các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Bộ Tư pháp Mỹ sẽ yêu cầu thẩm phán, người đã phán quyết hồi tháng 8/2024 rằng Google đã độc quyền bất hợp pháp thị trường công cụ tìm kiếm, áp dụng các biện pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ điều hành Android.
Các quan chức chống độc quyền cùng với các bang tham gia vụ kiện cũng dự kiến đề xuất thẩm phán liên bang Amit Mehta áp dụng các yêu cầu cấp phép dữ liệu.
Nếu được chấp thuận, những đề xuất này có thể định hình lại thị trường tìm kiếm trực tuyến và lĩnh vực AI đang phát triển.
Vụ kiện được khởi xướng dưới thời chính quyền Donald Trump và tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden, đánh dấu nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm kiềm chế một công ty công nghệ kể từ khi Mỹ thất bại trong việc chia tách Microsoft Corp. 20 năm trước.
Việc sở hữu trình duyệt web phổ biến nhất thế giới là chìa khóa cho hoạt động quảng cáo của Google. Công ty này có thể theo dõi hoạt động của người dùng đã đăng nhập và sử dụng dữ liệu đó để nhắm mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn - nguồn thu chính của Google.
Google cũng đang sử dụng trình duyệt Chrome để hướng người dùng đến sản phẩm AI Gemini, mà có tiềm năng phát triển từ một chatbot trả lời câu hỏi thành một trợ lý theo dõi người dùng trên web.
Theo nhà phân tích Mandeep Singh của Bloomberg Intelligence, nếu việc rao bán diễn ra, Chrome sẽ có giá trị "ít nhất 15-20 tỷ USD, với hơn 3 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng". Giá mà người mua tiềm năng sẵn sàng trả có thể phụ thuộc vào khả năng liên kết trình duyệt Chrome với các dịch vụ khác.
Nhà phân tích Bob O'Donnell của TECHnalysis Research cho biết trình duyệt Chrome không trực tiếp tạo ra doanh thu, song nó đóng vai trò là cửa ngõ cho những thứ khác.
Phía Google phản đối mạnh mẽ đề xuất này. Bà Lee-Anne Mulholland, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google, cho rằng Bộ Tư pháp "tiếp tục thúc đẩy một chương trình nghị sự tiêu cực, vượt xa các vấn đề pháp lý trong sự kiện này".
Bà nói thêm việc chính phủ can thiệp theo những cách này sẽ gây hại cho người tiêu dùng, nhà phát triển và vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ.
Các cơ quan chống độc quyền muốn thẩm phán ra phán quyết cho Google bán Chrome vì đây là trình duyệt được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới, đại diện cho một điểm truy cập quan trọng mà nhiều người sử dụng để truy cập công cụ tìm kiếm của Google. Theo trang phân tích lưu lượng truy cập mạng StatCounter, trình duyệt Chrome kiểm soát khoảng 61% thị phần tại Mỹ.
Theo nhà phân tích quảng cáo và truyền thông kỹ thuật số tại Emarketer, Evelyn Mitchell-Wolf, việc tìm kiếm khách mua tiềm năng cho Chrome cũng là một thách thức. Các công ty có đủ khả năng tài chính và quan tâm đến Chrome, như Amazon.com Inc., cũng đang đối mặt với sự giám sát chống độc quyền, mà có thể ngăn cản một thương vụ lớn như vậy. Việc hợp nhất với một công ty AI có trụ sở tại Mỹ có thể dễ dàng vượt qua sự giám sát của chính phủ hơn so với một “gã khổng lồ” công nghệ khác.
Vụ kiện và các đề xuất tiếp theo sẽ tiếp tục được theo dõi sát sao, hứa hẹn những thay đổi đáng kể trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường công nghệ toàn cầu.
T.H (theo TTXVN)