Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức đã có những chia sẻ về tình cảm tốt đẹp giữa hai nước cũng như đôi nét về đất nước, con người Triều Tiên.
Triều Tiên giai đoạn những năm 1960, đầu những năm 1970 ghi nhận nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Dựa trên sức lao động và tinh thần tự lực tự cường, cộng với sự giúp đỡ từ các quốc gia xã hội chủ nghĩa, kinh tế Triều Tiên đã có những năm tháng phát triển tương đối toàn diện.
Ngày 31.1.1950, Việt Nam và Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Dương Chính Thức, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên đã có những chia sẻ với Báo Hải Dương về tình cảm tốt đẹp giữa hai nước cũng như đôi nét về đất nước, con người Triều Tiên nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un.
Tình bạn Việt Nam – Triều Tiên
Trong dòng chảy lịch sử gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tình hữu nghị Việt Nam-Triều Tiên trải qua nhiều giai đoạn. Khi Việt Nam khó khăn, gian khổ bởi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Triều Tiên cũng chịu nhiều tàn phá từ cuộc chiến tranh 1950-1953. Song giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, Việt Nam và Triều Tiên vẫn luôn giữ vững tình cảm hữu nghị, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau.
Ông Dương Chính Thức luôn bồi hồi, xúc động khi nhớ về Triều Tiên. Ảnh: Hà Kiên
Năm 1951, ông Hoàng Quốc Việt khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Liên Việt (Mặt trận Tổ quốc bây giờ) dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang thăm Triều Tiên. Đây là một cử chỉ thể hiện tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam đối với cuộc chiến của nhân dân Triều Tiên chống Mỹ. Đến năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm chính thức Triều Tiên, sau đó phía bạn đã đáp lễ bằng chuyến thăm của lãnh tụ Kim Nhật Thành năm 1958.
“Tôi nghĩ rằng đó là giai đoạn mối quan hệ Việt Nam-Triều Tiên phát triển rất tốt. Mối quan hệ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền móng và vun đắp”, ông Thức chia sẻ.
“Một điều đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong tôi về tình cảm hữu nghị, truyền thống của Việt Nam-Triều Tiên, đó là vào năm 1966, Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức cuộc họp đặc biệt, ra nghị quyết ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc”, ông Thức nói thêm. Khu tưởng niệm những người lính Triều Tiên hy sinh tại Việt Nam ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là minh chứng hùng hồn cho tinh thần ủng hộ Việt Nam của Triều Tiên suốt những năm tháng kháng chiến.
“Trong ký ức của tôi, người dân Triều Tiên cần cù, chất phác, thân thiện và thật thà. Họ giữ tinh thần kỷ luật lao động rất cao, từ những cháu học sinh cho đến người trưởng thành”, ông Thức nói. “Gần 20 năm sinh sống, học tập và công tác đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong tôi về con người Triều Tiên. Khi còn là sinh viên, tôi ở chung phòng với một người bạn Triều Tiên, bạn đã giúp tôi rất nhiều trong sinh hoạt, học tập cũng như cuộc sống. Những món quà quê, tuy không nhiều nhưng đã thể hiện tình cảm vô cùng đáng quý. Đó là những ký ức tôi không bao giờ quên”, ông Thức chia sẻ.
“Tôi còn nhớ lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành đã đến ký túc xá của lưu học sinh Việt Nam, thăm nơi ăn chốn ở. Chủ tịch Kim Nhật Thành căn dặn lưu học sinh chúng tôi tích cực học tập để sau này quay trở về phục vụ Tổ quốc. Một con người gần gũi, ấm áp”, ông Thức kể lại. “Từ người dân cho đến lãnh tụ Triều Tiên, ai cũng đều thể hiện tình cảm tốt đẹp dành cho Việt Nam. Những điều giản dị nhưng vô cùng trân quý”.
“Mối quan hệ Việt Nam-Triều Tiên, dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng tình hữu nghị, truyền thống tốt đẹp vẫn xuyên suốt từ những năm 1950 cho đến bây giờ”, ông Thức nói. “Sau 61 năm kể từ chuyến thăm của lãnh tụ Kim Nhật Thành, đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến thăm chính thức nước ta, tạo ra mốc son mới trong sự phát triển mối quan hệ Việt Nam-Triều Tiên”.
Triều Tiên – đất nước, con người
Triều Tiên là một đất nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế. Một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản, con người cần cù, chăm chỉ, chịu khó, giàu sức sáng tạo. Đó là những nhận định chung của nguyên Đại sứ Dương Chính Thức khi chia sẻ về đất nước, con người Triều Tiên.
Theo nguyên Đại sứ, Triều Tiên là đất nước có nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ Khổng giáo, giống như Hàn Quốc. SongTriều Tiên phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa nên cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ văn hóa những quốc gia này. “Chính những điều đó đã tạo nên nét rất riêng, rất đặc biệt trong văn hóa Triều Tiên. Người dân Triều Tiên ai cũng biết ca múa, từ những em bé mẫu giáo cho đến những cụ già”, ông Thức chia sẻ.
Trong những lễ hội văn hóa Triều Tiên, có lẽ đặc sắc nhất là Liên hoan Nghệ thuật mùa Xuân tháng Tư. Đây là lễ hội văn hóa kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành, ngày 15.4. Triều Tiên thường mời các đoàn nghệ thuật tới từ các quốc gia đến tham dự, trong đó có Việt Nam. Sau này, lễ hội Arirang ra đời, là sự kiện văn hóa nối tiếp lễ hội mùa Xuân tháng Tư. Trong suốt thời gian diễn ra, sân vận động 1.5 tại thủ đô Bình Nhưỡng luôn chật kín người. Các đoàn nghệ thuật biểu diễn những tiết mục hấp dẫn trong không khí vui tươi và hết sức sôi động. Lễ hội Arirang, được đặt tên theo một bài dân ca Triều Tiên, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Hình ảnh lễ hội Arirang 2018. Ảnh: Straitstimes
Đất nước Triều Tiên hiện lên trong tâm thức vị nguyên Đại sứ đầy vẻ đẹp và sức thu hút. “Trong khoảng thời gian sinh sống tại Triều Tiên, tôi đã có dịp đi thăm hầu hết các nơi, từ Bắc đến Nam đất nước này. Tại vùng địa đầu phía Bắc Triều Tiên có một ngọn núi mang tên Bạch Đầu Sơn (Paektusan), hay còn gọi là núi Trường Bạch, quanh năm tuyết phủ trắng”, ông Thức nói. Đây là một ngọn núi dạng núi lửa, nằm trên biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, là ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Đối với người dân Triều Tiên, Bạch Đầu Sơn là ngọn núi thiêng được tôn thờ. Đây là cái nôi cách mạng, nơi lãnh tụ Kim Nhật Thành đã tổ chức lực lượng du kích trong suốt những năm tháng kháng Nhật.
Ngoài ra, khi đến Triều Tiên, ai cũng đều muốn đến thăm Vạn Cảnh Đài (Mangyongdae), quê hương của lãnh tụ Kim Nhật Thành.“Tôi đã rất xúc động khi tham quan nơi đây. Vẫn còn đó những ngôi nhà lợp mái tranh, những dụng cụ gia đình đơn sơ từ thời cha và ông của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng gia đình lãnh tụ Triều Tiên luôn giữ vững tinh thần yêu nước. Truyền thống cách mạng và tinh thần dân tộc đã được truyền từ đời cha ông của Chủ tịch Kim Nhật Thành cho đến Chủ tịch Kim Jong-un ngày nay”, ông Thức bồi hồi kể lại.
Vạn Cảnh Đài – nơi sinh lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành. Ảnh: Flickr
Một trong những nơi có phong cảnh đẹp khác tại Triều Tiên là Diệu Hương Sơn, cách Bình Nhưỡng khoảng 160km về phía Bắc. Nơi đây bao gồm khoảng trên 20 ngôi chùa, trong đó có Phổ Hiền cổ tự. Ngôi chùa cổ được thành lập từ thế kỷ 11 thời triều đại Cao Ly, là một trung tâm lớn của Phật giáo Triều Tiên đồng thời là di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, ở đây còn có Cung Hữu nghị, điểm trưng bày tất cả những hiện vật, quà tặng của các nước và các tổ chức quốc tế trao tặng Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Kim Chính Nhật.
“Tôi cũng đã có dịp tham quan nhiều danh thắng khác tại Triều Tiên như Kim Cương Sơn, ngọn núi nổi tiếng với nhiều phong cảnh đẹp thời xa xưa, là chủ đề của biết bao tác phẩm nghệ thuật. Hay những bãi biển đẹp như Nguyên Sơn, Nam Phố, Hàm Hưng… Riêng về thủ đô Bình Nhưỡng, một thành phố rất đẹp của Triều Tiên. Con sông Đại Đồng chạy dọc thủ đô, dòng nước trong xanh, hiền hòa”, nguyên Đại sứ chia sẻ.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ mở ra giai đoạn mới, hướng tới những bước phát triển mới trong quan hệ song phương. Nguyên Đại sứ Dương Chính Thức bày tỏ niềm tin rằng với quyết tâm của cả hai bên cộng với những thuận lợi từ điều kiện quốc tế, mối quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp.
HÀ KIÊN