Triều Tiên muốn gì tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2?

26/02/2019 16:51

Triều Tiên muốn lệnh cấm vận quốc tế được nới lỏng hoặc ít nhất là giảm mức độ thực thi của các thành viên chủ chốt – đó có thể là mục tiêu cao nhất của Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội.

Đây là nhận định của mạng tin phân tích World Polictics Review ngày 25.2.


Thế giới đang kỳ vọng vào bước đột phá trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Việt Nam

Hà Nội đang hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong tuần này. Giới chức Mỹ hy vọng, bên cạnh việc cung cấp địa điểm gặp gỡ và hỗ trợ công tác hậu cần, một Việt Nam chủ nhà sẽ mang lại nhiều giá trị biểu tượng. Theo World Polictics Review, Triều Tiên có thể sẽ hào hứng học hỏi mô hình của Việt Nam hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Sau khi lên nắm quyền, Kim Jong-un tuyên bố thực thi “chính sách song hành”, thể hiện nỗ lực kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa tiếp tục nâng cao tiềm lực quân sự quốc gia. Sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa, tới năm 2018, Kim Jong-un tuyên bố các hoạt động này không còn cần thiết, bởi Triều Tiên đã hoàn thành “thanh bảo kiếm” và giờ là lúc tập trung và kinh tế. Đương nhiên, tiến triển kinh tế đòi hỏi quốc gia này phải được nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế hạn chế giao thương và tài chính.

Nhiều mặt hàng nhập khẩu của Triều Tiên phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc dẫn đến những bất ổn trong cán cân thâm hụt thương mại nảy sinh do lượng thiếu hụt ngoại hối vì tác động của lệnh cấm vận. Điều này khiến mục tiêu nới lỏng các đòn trừng phạt được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đội ngũ đàm phán tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội.

Những tuyên bố gần đây của giới chức Mỹ cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng hướng đến việc nới lỏng một phần cấm vận nếu xuất hiện các bước tiến tích cực. Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tuyên bố chính quyền Trump sẵn sàng có “các giải pháp tương ứng”, “tức thời và song hành” trước các hành động giảm căng thẳng của Triều Tiên. Đây là bước thay đổi lớn, bởi các vòng đàm phán trước đây thường đổ vỡ hoặc thất bại do Triều Tiên luôn cho rằng các đối tác đàm phán Mỹ áp đặt các điều tiện tiên quyết đối với nới lỏng cấm vận.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ngày 24.2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã làm rõ quan điểm của Mỹ. Ông nói rằng các lệnh cấm vận then chốt “chắc chắn sẽ giữ nguyên hiệu lực”, một cách nói tương đồng với thông tin được truyền thông Hàn Quốc phát đi gần đây về việc Mỹ sẵn sàng mở đường cho các dự án kinh tế liên Triều như khu nghĩ dưỡng ở núi Kumgang, Khu công nghiệp Kaesong dọc Khu phi quân sự (DMZ) thông qua việc miễn trừ cấm vận các đối tác Hàn Quốc.

Về phần mình, Bình Nhưỡng đã phát tín hiệu tương tự, khi ngầm thừa nhận sẵn sàng ngừng hoạt động tổ hợp hạt nhân Yongbyon và thậm chí có thể cho phép thanh sát viên quốc tế tới giám sát tiền trình phá hủy hạ tầng này. Yongbyon là cơ sở duy nhất chuyên làm giàu nguyên liệu hạt nhân cần thiết để sản xuất vũ khí nguyên tử mà Triều Tiên công khai với thế giới. Tuy nhiên, một số nhà quan sát hoài nghi tính khả thi của động thái này và tác động của nó trên thực tế. Có ý kiến cho rằng, ngay cả khi tổ hợp Yongbyon bị phá hủy hoàn toàn thì nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến kho vũ khí và nhiên liệu hạt nhân mà Triều Tiên đang sở hữu. Tuy nhiên, nếu được thực hiện đúng cách, không thể phủ nhận rằng việc loại trừ Yongbyon sẽ làm giảm đáng kể năng lực chế tạo nhiên liệu bom hạt nhân của Triều Tiên.

World Polictics Review cho rằng còn nhiều cách thức để Mỹ và Triều Tiên tiến tới đồng thuận, và đó không nhất thiết phải là các biện pháp trực tiếp giảm cấm vận mà là xây dựng lòng tin và xử lý một số di sản còn tồn tại từ Chiến tranh Triều Tiên. Một trong số đó là tuyên bố chung chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên – nội dung đã được đàm phán trong nhiều tháng qua và nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự ở Hà Nội. Một ý tưởng khác cũng có thể được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này là việc thiết lập các văn phòng liên lạc ở Washington và Bình Nhưỡng - bước đi phù hợp với mong mỏi bấy lâu của Triều Tiên muốn được đối xử như là một thành viên quốc tế. Các chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ luôn phản đối việc trao cho Bình Nhưỡng tính chính danh trong giai đoạn Triều Tiên còn thử hạt nhân và tên lửa. Bối cảnh hiện nay đã khác, ngoại giao giờ thay thế đối đầu quân sự và vì thế nhiều người lại nhắc đến khả năng này.

Dù vậy, ngay cả khi Trump và Kim đồng ý về việc chính thức nới lỏng cấm vận một phần trong hội nghị tại Hà Nội thì đó có thể vẫn chưa là toàn bộ những gì Kim Jong-un mong muốn. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể vẫn còn muốn thúc đẩy khả năng Trung Quốc và Nga nới lỏng việc thực thi các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, như cách mà hai nước này đã làm hồi năm ngoái. Điều này sẽ tạo ra những thách thức mới cho Washington, cụ thể là phải tiếp tục tìm kiếm hợp tác đa phương trong thực thi trừng phạt chống Triều Tiên, nhưng đồng thời lại phải nhấn mạnh thành công của mình trong việc trung hòa mối đe dọa từ quốc gia này.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triều Tiên muốn gì tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2?