Chưa đầy 1 tuần, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử vũ khí, trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ lâm vào bế tắc do lập trường giữa hai bên còn nhiều khác biệt.
Hai vụ thử vũ khí trong chưa đầy một tuần
Triều Tiên muốn gây sức ép lên Mỹ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội mà không ra được tuyên bố chung
Sáng sớm ngày 9.5 (theo giờ Mỹ), tức chiều tối theo giờ Hàn Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên đã tiến hành phóng thử nhiều vật thể bay. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) sau đó cho biết các vật thể bay mà Triều Tiên phóng có thể là 2 tên lửa tầm ngắn, bay được tương ứng 420km và 270km về phía Đông trước khi rơi xuống biển. Vụ phóng được tiến hành tại tỉnh Bắc Pyongan, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 77km về phía Tây Bắc. Đây là nơi có căn cứ tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong, loại tên lửa có tầm bắn 1.300 km, có thể tấn công tới lãnh thổ Nhật Bản. Trong khi đó, Lầu Năm Góc ngày 10/5 xác nhận các vụ phóng trong ngày 9.5 của Triều Tiên bao gồm nhiều tên lửa đạn đạo. Các tên lửa đã bay hơn 300 km theo hướng Đông, trước khi rơi xuống biển.
Về phía Triều Tiên, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Chủ tịch Kim Jong Un đã giám sát một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa". Thông báo của KCNA không nhắc tới các từ "tên lửa", "rocket" hay "vật phóng đi tự động", song khằng định cuộc diễn tập đã được triển khai thành công nhằm kiểm tra năng lực phản ứng nhanh và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị phòng thủ.
Vụ phóng ngày 9.5 của Triều Tiên là vụ thử vũ khí thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần. Trước đó, vào sáng ngày 4.5, Triều Tiên cũng đã tiến hành một vụ phóng thử mà theo JCS là "những vật thể bay tầm ngắn chưa xác định" song khẳng định "đây không phải là tên lửa đạn đạo". Theo JCS, các vật thể bay này được bắn đi từ khu vực ở gần thị trấn duyên hải Wonsan và rơi xuống vùng biển phía Đông Bắc Triều Tiên sau khi bay khoảng 200km. Đây là những vật thể liên quan đến vũ khí dẫn đường chiến thuật mới và các giàn phóng rocket. Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao ngày 9.5, Chính phủ Mỹ tin rằng một trong các vật thể bay mà Triều Tiên thử nghiệm trong ngày 4.5 là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tuy nhiên Washington đã cố không nhận dạng loại tên lửa do lo ngại điều đó có thể ảnh hưởng xấu tới nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đạt một thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Nếu thông tin trên được khẳng định thì đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng thử tên lửa kể từ cuối tháng 11.2017 sau khi nước này phóng tên lửa liên lục địa Hwasong-15 với tuyên bố có thể đưa toàn bộ đất liền nước Mỹ vào tầm bắn.
Theo nhận định của hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), hai vụ phóng nói trên của Triều Tiên có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho điều mà Tổng thống Trump từng ca ngợi là thành quả lớn nhất của mình: Triều Tiên ngừng thử nghiệm vũ khí. Trong năm 2018 và đầu năm 2019, Bán đảo Triều Tiên đã trải qua một quãng thời gian khá "yên ắng" về quân sự trong khi các bên xúc tiến các nỗ lực ngoại giao tích cực với ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều, hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng như các hội nghị thượng đỉnh Trung - Triều và Nga - Triều, trong đó Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, kể từ đó các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc do lập trường giữa Mỹ và Triều Tiên còn quá nhiều khác biệt.
Thông điệp của Bình Nhưỡng
Theo trang mạng 38 North, bán đảo Hodo, nơi diễn ra vụ bắn thử ngày 4.5 của Triều Tiên, đã được sử dụng là nơi huấn luyện “phóng thử đạn thật, huấn luyện tập trận cho lực lượng pháo binh và tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển” kể từ thập niên 1960. Đến giữa thập niên 1990, một “khu vực huấn luyện chính thức” đã được thiết lập trong khu vực và Hodo “ngày càng được tăng cường sử dụng cho vụ thử tên lửa đạn đạo và rocket tầm xa” trong 10 năm qua.
Các nhà quan sát cho rằng, những vụ thử nói trên của Bình Nhưỡng được cho là các thông điệp nhiều ẩn ý gửi tới Tổng thống Trump, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (27 và 28.2) kết thúc trong bế tắc do không đạt được tiến triển trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên bởi những bất đồng về giải trừ vũ khí và gỡ bỏ trừng phạt. Đây là động thái quân sự nêu bật thái độ mất kiên nhẫn ngày càng tăng của Triều Tiên trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington đang bế tắc và hợp tác kinh tế liên Triều không có nhiều tiến triển.
Mục đích của Triều Tiên là nhằm gia tăng áp lực buộc Mỹ phải linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân và buộc Hàn Quốc phải đứng về phía Bình Nhưỡng, đồng thời cũng phát đi thông điệp rằng Triều Tiên quyết không khuất phục về mặt quân sự. Tuy nhiên, các động thái của Bình Nhưỡng dường như đã được tính toán một cách cẩn trọng và không mang mục đích kích động Mỹ bởi lẽ Triều Tiên không muốn tiến trình ngoại giao hiện nay giữa nước này với Mỹ bị trệch hướng. Nếu tiến trình ngoại giao đổ vỡ, đây sẽ là một đòn mạnh giáng vào những nỗ lực của Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang muốn quốc tế giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng và thúc đẩy chương trình phát triển kinh tế.
Chuyên gia Yang Uk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, cho rằng: Đây là biểu hiện cho thấy sự không vừa lòng của Triều Tiên với các cuộc đàm phán bế tắc với Mỹ. Triều Tiên có thể trở lại thế đối đầu trước đây nếu không có bước đột phá nào trong bế tắc hiện nay. Theo chuyên gia Yang Uk, "Triều Tiên đã trở lại chiến thuật leo thang quen thuộc. Họ sẽ tiếp tục leo thang bằng cách sử dụng những (vật thể bay) dường như là tên lửa tầm ngắn, vốn không gây phản ứng của Mỹ". Trong khi đó, chuyên gia Hong Min tại Viện Thống nhất Dân tộc của Hàn Quốc, khẳng định với các vụ phóng thử này, "Triều Tiên đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng họ muốn các đảm bảo an ninh để đổi lại tiến bộ về phi hạt nhân hóa".
Cũng có ý kiến của các chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang “thử” phản ứng của phía Mỹ bằng các vụ phóng thử vũ khí nêu trên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang thận trọng xác định quan điểm của mình với Tổng thống Trump. Việc thử các vũ khí tầm ngắn có thể là một nỗ lực của ông Kim Jong-un nhằm tạo ra một bước đột phá trong các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc hiện nay, trong khi không quá chọc giận ông Trump.
Dự đoán về tương lai, Giáo sư của trường Đại học Triều Tiên, Nam Sung-wook, cho rằng trong những tháng tới, có thể Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thêm nhiều tên lửa tầm xa để gia tăng áp lực với Mỹ, buộc Washington phải đưa ra một lộ trình cụ thể cho các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối năm nay.
Theo TTXVN